Huy động 86.319 tỷ đồng triển khai mới các dự án giao thông quan trọng ở ĐBSCL

Huy động 86.319 tỷ đồng triển khai mới các dự án giao thông quan trọng ở ĐBSCL

(SGGPO).- 52.471 tỷ đồng là số kinh phí mà Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông ở vùng ĐBSCL giai đoạn từ năm 2010-2015 đã hoàn thành và đưa vào khai thác (chưa kể các dự án đang triển khai).

 “Theo đó, từ năm 2010 đến nay đã đầu tư xong 34 dự án, với tổng mức vốn 52.471 tỷ đồng; trong đó có 1.036km đường, 60,2km cầu được xây dựng mới và nâng cấp mở rộng… Đây là những công trình giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng ĐBSCL. Cụ thể như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL 1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, nâng cấp QL 53, QL 54, QL 57, QL 60, QL 61, QL 63, QL 80, QL 91… tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng. Một bước phát triển nhảy vọt của giao thông ĐBSCL”- ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết “5 năm phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL”, diễn ra chiều 10-12 tại Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ một trong những dự án giao thông huyết mạch của ĐBSCL

Theo Bộ GTVT, hiện nay đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai 24 dự án giao thông ở ĐBSCL như: Kiên cố hóa QL 91 địa phận An Giang, mở rộng QL 54 đoạn tỉnh Đồng Tháp, mở rộng QL 63 đoạn nội ô tỉnh Cà Mau… Đối với đường thủy đã hoàn thành dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo, với vốn đầu tư 787 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải thì xây dựng xong cảng biển An Thới (Phú Quốc – Kiên Giang) vốn hơn 189 tỷ đồng; lĩnh vực hàng không đã hoàn thành 4 sân bay (Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá) vốn đầu tư 5.331 tỷ đồng… Kế hoạch giai đoạn từ năm 2016-2020, sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng để tiếp tục triển khai mới các dự án giao thông quan trọng ở ĐBSCL. Dự kiến, lĩnh vực đường bộ thực hiện 33 dự án với kinh phí 65.297 tỷ đồng; đường thủy nội địa đầu tư 5 dự án kinh phí 2.314 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải đầu tư 8 dự án, vốn khoảng 6.500 tỷ đồng; lĩnh vực hàng không sẽ nâng cấp sân bay Phú Quốc, Cà Mau… và tính toán đầu tư xây dựng sân bay ở An Giang với kinh phí khoảng 5.800 tỷ đồng bằng nguồn vốn các doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan và các địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL thời gian qua. Hạ tầng giao thông phát triển đã thúc đẩy kinh tế các địa phương đi lên, đáp ứng những kỳ vọng của người dân trong vùng. Mặt được là vậy, song hệ thống giao thông của ĐBSCL vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Để hạ tầng giao thông toàn vùng sớm hoàn thiện thì Bộ GTVT và các địa phương cần rà soát lại quy hoạch một cách hợp lý, có chiến lược, tầm nhìn xa… Tới đây, cần đầu tư dự án nào, qui mô ra sao… phải tính toán cụ thể. Đối với những dự án giao thông đang thi công thì phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch. Song hành cùng phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không… thì nghiên cứu việc kêu gọi vốn để phát triển đường sắt ở ĐBSCL, trước mắt là tuyến TPHCM- Mỹ Tho…

        HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục