Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chiến thắng Khe Sanh (năm 1968) đã làm chấn động địa cầu. Không ít nhà quân sự và chuyên gia lịch sử nhận định đó là một Điện Biên Phủ thứ hai bởi có nhiều điểm tương đồng. Chiến thắng ấy đã đánh bật “cái mỏ neo” uy hiếp mọi con đường tiếp tế vào Nam và trung tâm chỉ huy của hàng rào điện tử McNamara của địch. Ngày nay, gần 50 năm sau chiến thắng ấy, huyền thoại Khe Sanh đang chuyển mình, tạo vóc dáng một đô thị vàng nơi vùng biên giới.
- Một chiến dịch vàng
Ngày 20-12-2006, 43 năm sau chiến thắng Khe Sanh, hành lang kinh tế Đông-Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) chính thức thông tuyến. Hành lang này dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), đi qua bang Kayin (Myanmar), các tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet (Lào), Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Hành lang giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Hành lang này còn kết nối với các tuyến giao thông Bắc - Nam như Yangon - Dawei của Myanmar, Chiang Mai - Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào và quốc lộ 1A của Việt Nam.
Sau 5 năm hiện diện, hành lang Đông - Tây đã góp phần giúp Khe Sanh trở mình từ cái nền là một thung lũng nghèo. Đi trên đại lộ tráng nhựa đường 9 được nâng cấp, mở rộng lần thứ ba, ai cũng có thể cảm nhận được sự khởi sắc đối với Khe Sanh. Và dự cảm của nhà thơ Ngô Kha từng viết: “Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây” đang dần trở thành hiện thực.
Một doanh nhân từ TP Hồ Chí Minh đã ra Lao Bảo (Khe Sanh) xây dựng dự án siêu thị Thiên Niên Kỷ và đưa vào vận hành nhiều năm nay. Điều đó chứng tỏ, Khe Sanh có sức hút về làm ăn không chỉ người dân địa phương mà còn là mảnh đất cho những doanh nhân ở các vùng khác đến lập nghiệp.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Tất Thắng từ Hà Nội vào Lao Bảo, ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, anh còn có mục đích khác. Anh muốn chung tay xây dựng lại mảnh đất, nơi mà cha anh cùng nhiều đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch Khe Sanh. Đang có nhiều người tìm kiếm cơ hội với Khe Sanh.
Về phía mình, Khe Sanh cũng đang có một “chiến dịch vàng” để biến thị trấn hẻo lánh này thành đô thị phát triển của Quảng Trị, như lời ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa. Ông chia sẻ: “Cùng với Lao Bảo, Khe Sanh sẽ là điểm đến tin cậy cho nhiều giới. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư để Khe Sanh, Lao Bảo vươn mình trở thành đô thị vàng ở vùng biên giới”.
- Trăn trở Khe Sanh
Cuộc trở mình của Lao Bảo, Khe Sanh đã xoay chuyển cuộc sống của đa phần người dân ở đây, nhưng bà con người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở Hướng Hóa vẫn còn nhiều vất vả, nghèo khó. Khoảng cách, độ chênh giữa người bản địa và dân nhập cư làm ăn khá lớn. Gặp tôi ở khu chợ Ngày và Đêm ở Lao Bảo, Pả Van, một cư dân địa phương nói: “Nhà mình đỡ hơn trước đây nhưng không bằng người khác về đây làm ăn. Nhiều lần địa phương họp bàn làm sao dân mình thoát khó khăn hơn rồi nhưng mà vì dân trí thấp nên chưa thể làm giàu”.
Trò chuyện với Pả Van và nhiều người khác mới thấy, hành lang kinh tế Đông - Tây đã tạo cho họ nhiều cơ hội làm thuê kiếm tiền, nhưng chưa cho họ cơ hội sòng phẳng buôn bán. Bởi lẽ, các chiến lược đưa ra đã không tính hết các trở lực từ sự lạc hậu, bước cản khiến những cư dân bản địa khó vươn lên làm giàu.
Nhiều người địa phương bày tỏ họ không còn tâm lý mong đợi trợ cấp gạo cứu đói mỗi năm mà cần việc làm để cùng có cơ hội vươn lên với nhau. Câu chuyện “chiếc cần câu và con cá” có vẻ đang là mối bận tâm lớn của chính quyền địa phương và bà con các dân tộc thiểu số bản địa.
Trên thực tế, nhiều người từ các vùng quê khác của cả nước đến Hướng Hóa, làm ăn ở Khe Sanh, Lao Bảo đã giàu có, giúp bộ mặt nơi đây thay đổi rõ rệt. Bức tranh tổng thể của Khe Sanh, Lao Bảo sẽ rộn rã các sắc màu tươi sáng nếu như cuộc sống của người dân nơi đây được nâng cao cùng.
Chiến dịch Khe Sanh được chia làm 4 giai đoạn, kéo dài 170 ngày đêm liên tục, bắt đầu từ 20-1-1968 và kết thúc vào ngày 25-7-1968 khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi vị trí này và lá cờ của quân giải phóng tung bay trên đường băng sân bay Tà Cơn. Chiến thắng Khe Sanh đã loại bỏ tại chiến trường 11.900 quân địch, gây tổn thất lớn đối với ý đồ biến Khe Sanh thành cứ địa cắt đứt mọi tuyến đường tiếp viện của miền Bắc với miền Nam, đánh sập dự án hàng rào điện tử McNamara. Về chiến thắng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thắng lợi Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam. Mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...”. |
Minh Phong