Công ty Hyundai Vinashin (HVS) tiếp tục đổ chất thải hạt nix ra môi trường. Trước đó, vẫn còn hơn 1 triệu tấn thải nix vẫn chưa được công ty xử lý và đang từng ngày gây hại cho người dân. Vậy phải chăng không có biện pháp nào để xử lý được loại chất thải này hay do HVS không muốn giảm lợi nhuận? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường.
- Phóng viên: Theo ông, ngoài sử dụng công nghệ đánh bóng thân tàu bằng hạt nix thì còn công nghệ nào khác?
PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ: Hiện nay, có nhiều phương pháp làm sạch bề mặt kim loại như phương pháp thủ công, dùng hóa chất, phun nước, làm sạch bằng laser hoặc phun mài mòn khô. Trong đó, phương pháp phun mài mòn khô được sử dụng khá phổ biến. 3 loại nguyên liệu được sử dụng trong công nghệ phun mài mòn khô, làm sạch bề mặt kim loại là cát, hạt nix và hạt gang.
- Ông có thể so sánh tính kinh tế của các loại công nghệ trên? Tại sao HVS lại chọn công nghệ phun bằng hạt nix?
Đơn giản vì giá thành thấp. Nếu sử dụng công nghệ phun ướt hoặc bằng laser giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với phun mài mòn khô. Mặt khác, trong 3 loại nguyên liệu cát, hạt gang và hạt nix sử dụng cho công nghệ phun mài mòn khô thì hạt nix có giá thành thấp nhất mà hiệu quả sử dụng lại cao hơn hết. Còn hạt gang có tính chất cơ lý tốt nhất và không chứa SiO2 tự do, có lợi cho môi trường nhờ lượng bụi sinh ra ít và mức độ độc hại thấp.
Ngoài ra khả năng tái sử dụng và tái chế của hạt gang rất cao. Tuy nhiên, chi phí cho việc sản xuất hạt gang quá cao. Còn cát thì nguyên liệu sẵn nhưng hiệu quả sử dụng không tốt bằng hạt nix. Do đó, HVS sử dụng hạt nix là tối ưu nhất
- Hạt nix có hiệu quả sử dụng và kinh tế cao nhưng tại sao các nước trên thế giới không khuyến khích sử dụng?
Mặt trái của hạt nix gây ô nhiễm môi trường như ô nhiễm bụi, tiếng ồn rất nghiêm trọng… Thực tế khảo sát tình hình ô nhiễm tại khu vực nhà máy HVS cho thấy, lượng bụi phát sinh trong quá trình hoạt động và lưu trữ nix thải của HVS rất lớn. Thành phần bụi gồm có bụi do lớp sơn bị bong ra từ vỏ tàu, bụi do gỉ sắt và thành phần chủ yếu là bụi của hạt nix sau khi phun bị vỡ ra. Phần bụi nix thô có kích thước hạt lớn hơn 30µm thì nhanh chóng lắng đọng ngay tại chỗ, còn các hạt bụi mịn hơn bị gió cuốn theo và khuếch tán vào khí quyển, gây ô nhiễm bụi cho khu vực dân cư lân cận nhà máy.
Riêng tại nơi lưu trữ nix thải, do kích cỡ bụi nhỏ (0,063 – 0,125 mm) nên phát tán rất rộng trong những ngày gió lớn, toàn bộ thôn Mỹ Giang, phần lớn là thôn Ninh Yển (tổng cộng 500 hộ gia đình) đều bị ảnh hưởng. Hiện trạng khu vực bị ảnh hưởng đều phủ một lớp bụi đen, có ở mọi chỗ, mọi nơi từ mái nhà, vườn cây, giếng nước… đều có bụi. Không chỉ vậy, do diện tích lưu trữ bãi chứa nix thải không còn nên công nhân HVS phải xúc nix thải đổ cao lên làm bụi nix bay mù mịt. Các tấm bạt nylon che phủ trên bề mặt các núi nix thải đã bị rách nát, khi có gió bụi nix bị cuốn bay vào không khí, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
- Theo ông, nix thải có ảnh hưởng đến nguồn nước người dân đang sử dụng không?
Quy trình công nghệ sử dụng nix phun làm sạch vỏ tàu không có nước thải, điều này đã được thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của HVS (tháng 5-2005) và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với những tàu lớn không vào ụ để sửa chữa, nhà máy phải dùng phương án sửa chữa tàu trên biển nên có một lượng bụi nix rơi xuống biển. Do đó, cần đánh giá tác động ảnh hưởng lâu dài tới môi trường biển Nha Trang.
Ái Vân