Ia Rvê chờ trạm xá

Vùng biên nghèo khó
Ia Rvê chờ trạm xá

Gần 2 giờ đồng hồ len lỏi qua những cánh rừng khộp của Vườn quốc gia Yok Đôn dưới cái se se lạnh đầu xuân, đoàn khảo sát Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng đại tá Nguyễn Lương Hòa, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, đã đến thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi Chính ủy Nguyễn Lương Hòa còn một “món nợ” chưa trả...

Đoàn khảo sát tại thôn 5 xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk – điểm chuẩn bị xây phòng khám quân dân y.

Đoàn khảo sát tại thôn 5 xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk – điểm chuẩn bị xây phòng khám quân dân y.

Vùng biên nghèo khó

Nằm cách trung tâm huyện Ea Súp hơn 50km về phía Tây, Ia Rvê là xã kinh tế mới, thuộc vùng dự án kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng), được thành lập vào tháng 7-2006 trên cơ sở tách một phần của xã Ya T’mốt và xã Ea Bung. Lúc xe chạy qua những con đường bê tông dẫn vào các thôn của xã Ia Rvê, đại tá Nguyễn Lương Hòa hồ hởi khoe, con đường này trước đây cực kỳ khó đi, mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội. Nhà nước đã đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế và ổn định đời sống dân cư. Hệ thống lưới điện cũng được phủ trên địa bàn xã. Trường mầm non, tiểu học và trường cấp 2 cũng đã có đầy đủ... nhưng về cơ bản thì đây vẫn là một xã còn rất nghèo.

Bà Lê Thị Thảo, Chủ tịch HĐND xã Ia Rvê và ông Lê Văn Bon, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Rvê, đã đợi chúng tôi tại điểm dự kiến xây dựng công trình tại thôn 5. Bà Lê Thị Thảo cho biết, Ia Rvê là xã biên giới nghèo nhất huyện Ea Súp. Toàn xã có 14 thôn, các điểm, cụm dân cư khá xa nhau, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Hầu hết bà con nơi đây là những hộ nghèo di cư từ 2 tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa theo chương trình kinh tế mới của Chính phủ năm 2002 và chủ yếu sống bằng nghề nông. Đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 63,25%. Không có hệ thống thủy lợi, vào mùa khô hạn hán kéo dài gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng ở nhiều cụm dân cư.

Đường về Ia Rvê

Đường về Ia Rvê

Ước mong một phòng khám quân dân y

Ông Lê Văn Bon cho biết thêm, những năm gần đây, cuộc sống nhân dân có khá hơn những ngày vừa thành lập xã nhưng do điều kiện khí hậu không thuận lợi, đất đai khô cằn, diện tích đất canh tác được cấp quá nhỏ, lại thiếu công trình thủy lợi nên cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực này gặp không ít khó khăn, sản xuất nông nghiệp khá bấp bênh, thu nhập bình quân trên diện tích canh tác thấp, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn cao (hơn 50%). Riêng thôn 5, tình hình còn khó khăn hơn. Thôn 5 là thôn giáp biên, biệt lập, nằm cuối xã, cách trung tâm xã khoảng 10km, chỉ có 150 hộ dân nhưng có đến 18 dân tộc. Cuộc sống nghèo khó, đường sá chưa được đầu tư đi lại khó khăn nên nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ của bà con thôn 5 và một số thôn lân cận (thôn 2,3,4) rất lớn. 

Theo ông Lê Văn Bon, khi chưa thành lập xã, bà con chủ yếu đến quân y của Binh đoàn 16 để khám bệnh, khi bị bệnh nặng phải ra tận thị trấn Ea Súp cách đó hơn 50km để cấp cứu. Đặc biệt trong những năm 2002 - 2007, mùa lũ lớn, bà con càng gặp khó khăn trong khám chữa bệnh vì đường sá bị chia cắt, không có phương tiện đi lại... Khi thành lập xã, bà con thường đến Đồn biên phòng 737 để khám chữa bệnh vì các “thầy thuốc bộ đội” rất mát tay và đường đi cũng ngắn hơn nếu đến Trạm y tế xã Ia Rvê (hơn 15km). “Nếu có phòng khám gần nhà thì quá mừng rồi, bởi bà con ở đây thường xuyên bị sốt rét. Việc phòng chống, chữa trị căn bệnh này mà có phòng khám cạnh bên, chắc chắn tốt hơn rất nhiều…”, với giọng miền Nam đặc sệt, ông Bon vui vẻ cho biết. Đề nghị này đã được bà con ở đây đề đạt nhiều lần tại các kỳ họp, tiếp xúc cử tri…

Với các thành viên Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, kiến nghị này đến từ tháng 2-2012. Lúc ấy, ngay sau khi gala Nghĩa tình Trường Sơn lần 2 tổ chức tại TPHCM kết thúc, tham dự buổi làm việc giữa các thành viên Ban tổ chức chương trình bàn biện pháp triển khai giai đoạn 2, đại tá Nguyễn Lương Hòa đã phát biểu: “Nhiều nơi không cần xây trạm xá hoành tráng mà chỉ cần quy mô phòng khám thôi cũng đủ đáp ứng nhu cầu của bà con nghèo vùng biên giới”. Ông xem đây là “món nợ” của Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk với bà con Ia Rvê. Theo đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk với Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Phòng khám quân dân y thôn 5 dự kiến xây dựng trên diện tích 1.200m², diện tích sử dụng 150m² với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Tham gia khảo sát, đại diện nhà tài trợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thống nhất với đề xuất này và đề nghị sớm tiến hành các thủ tục liên quan.  

Chiều muộn, đoàn rời Ia Rvê. Lại “hành quân” gần 2 giờ đồng hồ qua cánh rừng khộp khô khốc, vắng vẻ. Hành trang của đoàn có vẻ nặng hơn bởi những ánh mắt, nụ cười mà bà con Ia Rvê gửi gắm…

Việt Nga

Tin cùng chuyên mục