Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, dự kiến 30.000 tỷ rupiah (2,03 tỷ USD) sẽ được góp bằng tiền mặt, phần còn lại dưới dạng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước và các tài sản nhà nước khác. Giới chức Indonesia kỳ vọng sau khi quỹ được thành lập, Indonesia sẽ thu hút thêm nhiều đối tác chiến lược và có uy tín để phát triển SWF nhằm có nguồn đầu tư tốt hơn. Động thái này cho thấy Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích cải thiện môi trường đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái.
SWF có hội đồng giám sát do Bộ trưởng Bộ Tài chính đứng đầu với các thành viên gồm Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước và 3 chuyên gia khác. Ban giám đốc sẽ gồm 5 chuyên gia có nhiệm vụ giám sát hoạt động của quỹ, trong đó có việc xây dựng chính sách và kế hoạch công tác. Các lĩnh vực SWF đầu tư có thể gồm cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và tài nguyên, du lịch và công nghệ. Nhà kinh tế Josua Pardede thuộc Ngân hàng Permata khuyến cáo, dù SWF có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng chính phủ phải đảm bảo hội đồng giám sát và hội đồng quản trị độc lập, minh bạch, không có lợi ích chính trị để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng.
SWF được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm lại, do đó đầu tư được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Tín hiệu tích cực nhất trong giai đoạn hiện nay là việc Indonesia đã lọt vào danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới có khả năng cân bằng giữa việc đối phó với đại dịch Covid-19 và duy trì nền kinh tế trước các tác động của đại dịch. Thứ hạng trên được đưa ra dựa vào việc đánh giá một số chỉ số. Đầu tiên là tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia hiện ở mức thấp. Tiếp đến là tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bình phục cao hơn một số nước trên thế giới. Bên cạnh đó, mức sụt giảm kinh tế của Indonesia tương đối thấp so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Nhiều nước có nền kinh tế sụt giảm ở mức hai con số trong khi Indonesia ghi nhận sụt giảm ở mức một con số.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang xem xét và tìm kiếm quốc gia an toàn nhất để trở thành cơ sở sản xuất chế tạo sau đại dịch. Đó là lý do vì sao Chính phủ Indonesia đang đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa đầu tư vì bất kể quy mô như thế nào cũng sẽ tác động đến chuyển động kinh tế trong nước. Theo dự báo của Chính phủ Indonesia, tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ ở mức từ âm 1% đến dương 0,6%. Indonesia cũng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia nhằm ngăn chặn đà sụt giảm sâu hơn và khôi phục cung cầu như tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất. Những động thái này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý 4 năm nay.