IPU – 132 thông qua nghị quyết về chống khủng bố

IPU – 132 thông qua nghị quyết về chống khủng bố

 * Đề xuất tăng cường vai trò của phụ nữ trong các vị trí ra quyết định chiến lược

(SGGPO).- Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp với tiêu đề “Vai trò của Nghị viện trong việc chống lại các hành động khủng bố của những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Boko Haram chống lại dân thường vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái” đã được IPU – 132 thông qua.

Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp của Đại hội đồng IPU xác định, mọi hình thức khủng bố đều là tội ác, đặc biệt là những hành động bạo lực nhằm vào dân thường như phụ nữ, trẻ em và người già.

Trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng  ở Iraq và vùng cận Đông đã chấp nhận liên kết với phiến quân Boko Haram ở Nigeria, Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Tư tưởng độc hại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang kích động các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực khác trên toàn thế giới, ví dụ như ở Brussels, Bỉ, Paris, Pháp, Sydney, Australia và gần đây nhất ở thủ đô Tunis, Tunisia.

Đại hội đồng IPU cho rằng đây là hành động tấn công vào những nền dân chủ trên thế giới và kêu gọi tất cả các nghị viện lên án các vụ tấn công khủng bố không chỉ của riêng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Boko Haram.

Nghị quyết kêu gọi nghị viện các nước thông qua chiến lược chung để ngăn chặn việc tuyển mộ các tay súng và những kênh tuyên truyền của các nhóm khủng bố này qua mạng internet, đặc biệt thông qua các mạng xã hội. Nghị sỹ các nước cũng đặc biệt lo ngại tình trạng giới trẻ bị đầu độc bởi những tư tưởng cực đoan của các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay Boko Haram.

Nghị quyết về vấn đề khẩn cấp của Đại hội đồng IPU cũng đã kêu gọi các nước đưa ra chiến lược chung về quản lý công dân tham gia các tổ chức này và đề xuất những biện pháp trao đổi thông tin giữa các nước.

Nghị quyết yêu cầu nghị viện các nước sử dụng các kênh lập pháp để đóng góp cho việc thực thi các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên biên giới cũng như việc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này. Đại hội đồng IPU cũng cho rằng, cơ quan an ninh và tình báo của các nước cần phải phối hợp, trao đổi thông tin trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo kết quả của Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21

* Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có báo cáo về kết quả của Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với sự tham dự của đông đảo các Nghị sĩ đại diện cho cả hai giới, Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung thiết thực và hiệu quả gắn với chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132, trong đó có hai chủ đề về Chiến tranh mạng và Quản trị nguồn nước.

Đối với phụ nữ, không gian mạng có thể là nguyên nhân tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, nắm bắt cơ hội và cũng có thể là nguồn gốc tạo nên bạo lực. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu cần có luật pháp và chính sách để làm cho không gian mạng an toàn hơn; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia để chống lại nguy cơ mạng, vì không gian mạng không có biên giới, không có lãnh thổ và  không có quốc tịch. “Hội nghị cũng kêu gọi sự quan tâm tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ hiện đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của các cuộc chiến tranh và xung đột; bày tỏ sự lo ngại những tội ác như vậy có thể được phát tán qua không gian mạng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh.

Về quản trị nguồn nước, Hội nghị nhấn mạnh, tại các nước đang phát triển và các vùng nông thôn, phụ nữ và các bé gái thường phải đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình qua những quãng đường xa, trong điều kiện không an toàn, dễ gặp bạo lực. Do vậy, Hội nghị khuyến nghị trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược về quản trị nguồn nước, cần đặt lợi ích và nhu cầu của phụ nữ lên hàng đầu để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận một cách an toàn với nguồn nước. Hội nghị cũng khẳng định cần đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào tất cả các cơ chế ra quyết định về quản trị nguồn nước ở cả cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Sau phiên thảo luận, Hội nghị đã đề xuất một số sửa đổi, bổ sung đối với dự thảo Nghị quyết của hai Ủy ban Thường trực và phần lớn các đề xuất của Hội nghị đã được chấp thuận và đưa vào Nghị quyết cuối cùng của Đại hội đồng.

Bên cạnh đó, Cương lĩnh Bắc Kinh + 20 cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự, thu hút nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin: Hội nghị khuyến nghị tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ trong các vị trí ra quyết định chiến lược, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và tại các cấp lãnh đạo địa phương và cho rằng sự đóng góp tích cực của các Nghị viện là điều kiện tiên quyết để thực hiện toàn diện Cương lĩnh Bắc Kinh.

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Nhân dịp này, các đại biểu đã thông qua Lời kêu gọi hành động vì bình đẳng giới nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả phụ nữ và các bé gái. Lời kêu gọi này đã được chia sẻ tới tất cả các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại phiên thảo luận chung ngày 30-3-2015.

Hội nghị đã bầu thêm ba thành viên mới của Ủy ban Điều phối là Bà J. Nze Mouenidiambou (đại biểu Gabon) đại diện của nhóm châu Phi, Bà A.Algharagere (ĐB Jordan) của nhóm Ả Rập và bà W.A Khan ( ĐB Bangladesh) của nhóm châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, tại cuộc họp của Ủy ban Điều phối ngày hôm qua, các thành viên của Ủy ban đã thảo luận và nhất trí về chiến lược nâng cao vai trò của Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Theo đó, tại phiên họp tới của Hội nghị Nữ nghị sĩ, chúng tôi sẽ đệ trình một số sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường vị thế của Hội nghị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng và thúc  đẩy việc lồng ghép giới vào các hoạt động của IPU”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục