Nếu trước đây tất cả người dân và doanh nghiệp muốn nộp thuế đều phải tập trung một đầu mối là kho bạc nhà nước, thì nay, ngành thuế triển khai liên kết để mở rộng đầu mối nộp thuế qua 20 hệ thống ngân hàng. Nghe có vẻ thuận tiện, nhưng thực tế doanh nghiệp và người dân vẫn chưa mặn mà. Cụ thể, chỉ tiêu đề ra đến hết tháng 9-2015 phải có 90% số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM nộp thuế điện tử (nộp thuế qua ngân hàng), thế nhưng, đến giờ chỉ có 5% số doanh nghiệp tham gia. Vì sao?
Từ đường bộ sang đường… truyền
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, ngành thuế đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cắt giảm số giờ nộp thuế của Việt Nam xuống ngang bằng với các nước ASEAN trong năm 2015. Cụ thể, trước kia là 537 giờ/năm đã giảm 370 giờ/năm, nay còn 167 giờ/năm. Đến cuối năm 2015, chỉ tiêu đề ra là phải tiếp tục giảm xuống còn 121,5 giờ - tức còn phải cắt giảm 46,5 giờ nữa.
Nộp thuế điện tử bị nghẽn ở các ngân hàng.
Thực hiện chỉ tiêu đó, thời gian qua Cục Thuế TPHCM ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế. Đến nay, Cục Thuế TP đã đi đầu trong cả nước, cơ bản hoàn thành 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử, tiết kiệm thời gian và chi phí nộp tờ khai thuế cho doanh nghiệp. Riêng hoạt động nộp thuế điện tử thì Tổng cục Thuế đã ký kết hợp tác với 20 ngân hàng cùng hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế qua ngân hàng. Theo thỏa thuận, Tổng cục Thuế và các ngân hàng thương mại thống nhất xây dựng và triển khai hệ thống kết nối trao đổi thông tin để truyền, nhận và đối soát dữ liệu nộp thuế điện tử. Nếu trước đây số lượng ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử ít nên doanh nghiệp ngại mở thêm tài khoản, tăng thêm chi phí thì nay hệ thống ngân hàng rộng khắp, sẽ giúp doanh nghiệp thay vì chỉ nộp thuế tại kho bạc, có thể nộp tại 20 ngân hàng liên kết. Nhiều đầu mối nhận nộp thuế sẽ tạo thuận tiện hơn, doanh nghiệp chỉ cần đến ngân hàng lập tờ khai đăng ký nộp thuế điện tử, đăng ký chữ ký số chứng thực là có thể giao dịch. Nếu doanh nghiệp sử dụng internet banking thì ngồi tại nhà “click chuột” là có thể nộp thuế và nhận xác nhận chứng từ nộp thuế (có chữ ký số của ngân hàng nhà nước) qua thư điện tử. Người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch nộp thuế tại bất kỳ nơi đâu nếu có mạng internet và có thể thực hiện giao dịch 24/24, giảm được chi phí và thời gian đi lại.
Ai cũng hiểu những tiện ích như không phải đến nộp trực tiếp, không phụ thuộc giờ làm việc của quầy giao dịch, tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian, công sức chờ đợi và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ nhưng lại có… quá ít doanh nghiệp tham gia. Đến nay, toàn TP chỉ có 6.000 trong tổng số 120.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Trong khi, Hà Nội đã có hơn 15.000 doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử. Nếu không kịp thời gỡ vướng thì chỉ tiêu 90% doanh nghiệp trên địa bàn TP nộp thuế điện tử trong năm nay sẽ không thực hiện được. Và mục tiêu kéo giảm tiếp 46,5 giờ trong năm nay sẽ… xa tầm với!
Kết nhưng chưa nối
Sau khi ngân hàng tham gia ký kết hỗ trợ nộp thuế điện tử, việc triển khai không được nhất quán, nhiều ngân hàng gây khó dễ cho người dân. Đó là lý do khiến người dân và doanh nghiệp ngại tham gia nộp thuế điện tử. Bà Lê Thị Hồng Nhung ngụ ở quận 3 than phiền, nộp thuế cũng khó! Bà bán nhà, phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thay vì phải đến kho bạc nhà nước nộp thuế như trước, bà được cán bộ hướng dẫn sang ngân hàng bên đường nộp cho tiện. Mừng thầm vì nghĩ đỡ phải đi lại, nhưng khi bà đến Ngân hàng VietinBank, 153 Võ Văn Tần phường 6, quận 3 để nộp thì bị bảo vệ chặn từ ngoài cổng, không cho vào với lý do lỗi hệ thống không thể thu thuế. Tưởng chỉ là lỗi tạm thời, nào ngờ khi quay về cơ quan thuế bà mới hay nhiều người nộp thuế khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Một số doanh nghiệp cho rằng, lý do họ ngại nộp thuế qua ngân hàng là vì, hiện nay các ngân hàng liên thông chưa tốt nên khi chuyển tiền đi thường xuyên bị trục trặc, có giao dịch đến vài ngày sau mới nhận được thư xác nhận. Trong khi, quy định của ngành thuế nếu nộp trễ hạn sẽ bị phạt, nên doanh nghiệp thà nộp thuế trực tiếp tại kho bạc, chờ lấy biên lai cho chắc chắn. Một lý do tế nhị khác là hiện nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ thu phí rất cao đối với các giao dịch và cả phí quản lý tài khoản. Cụ thể, cá nhân mở tài khoản internet banking phải nộp phí mở tài khoản, phí quản lý tài khoản, phí tin nhắn... Khi giao dịch chuyển tiền trên mạng, mỗi ngân hàng có mức thu phí khác nhau. Ví dụ, cá nhân chỉ chuyển 2 triệu đồng qua mạng nhưng Ngân hàng Techcombank thu phí 13.200 đồng, trong khi cũng với số tiền này và cũng cùng hình thức chuyển nhưng Ngân hàng BIDV chỉ thu 6.600 đồng.
Dù có kết nối, nhưng nếu chỉ một mình cơ quan thuế chuyển động, các ngân hàng không nhiệt tình tham gia, hoặc không cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ của mình thì người dân và doanh nghiệp vẫn xa lánh. Nếu không có sự chỉ đạo nhất quán thì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh cũng sẽ bị cản trở vì những điều nhỏ nhặt như thế.
|
HÀN NI