Trong thời điểm tiếng Nga ít người sử dụng và các tác phẩm văn học Nga cũng gần như vắng bóng trên các kệ sách, việc ra mắt Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nga được xem như việc làm mạo hiểm, tuy nhiên cũng mở ra một cơ hội mới cho những người yêu thích văn học. PV Báo SGGP đã trao đổi với dịch giả Thúy Toàn, người sáng lập và Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga.
- PV: Khi văn học Nga không còn được chuộng như trước, việc thành lập quỹ có phải là hành động lội ngược dòng?
Mặc dù tiếng Nga không còn được chuộng như trước nhưng văn học Nga vẫn luôn là một nền văn học có nhiều tác giả lớn với các tác phẩm đồ sộ. Có thể ngoài thị trường, sách văn học Nga không xuất hiện nhưng vẫn luôn tồn tại một dòng chảy ngầm trong những người yêu mến nước Nga và văn học Nga. Trong quá khứ, đã có nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, dịch giả của hai nước tích cực dịch, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của nền văn học nước mình sang nước bạn và ngược lại. Ở Việt Nam, từ sớm, công chúng đã biết đến một số tác phẩm của Nga qua bản dịch của những tên tuổi như Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan, Phan Khôi… cho đến thế hệ Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Trần Dần, Lê Đạt. Rồi đến lớp của các dịch giả Nguyễn Thụy Ứng, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, Thúy Toàn, Bằng Việt… văn học Nga đến với công chúng Việt Nam như một dòng chảy.
- Gần đây, dư luận lo ngại về chất lượng tác phẩm chuyển ngữ. Liệu điều này có thể xảy ra với các tác phẩm văn học Nga khi mà đội ngũ những người học tiếng Nga ngày một ít đi?
Công việc dịch thuật trong nước từ lâu đã được để mặc cho tự phát triển. Ngành dịch thuật cũng ít nhận được sự hướng dẫn của dư luận, giới phê bình, nghiên cứu. Gần đây giới dịch thuật có hiện tượng lạ đó là nhiều người chỉ cần dịch một cuốn sách rồi đưa in cũng có thể tự xưng là dịch giả. Hiện tượng bỗng dưng trở thành dịch giả rất hiếm gặp ở nước ngoài. Ở Australia, để được coi là dịch giả cần phải học và thi lấy chứng chỉ dịch thuật mỗi năm.
Quỹ đã xây dựng được một mạng lưới cộng tác viên là các nhà văn, các dịch giả tâm huyết với văn học Nga như PGS-TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Bằng Việt; các dịch giả Đoàn Tử Huyến, Từ Thị Loan, Vũ Thế Khôi… Họ sẽ nắm vai trò dịch thuật cũng như tham gia khâu biên tập, hiệu đính tác phẩm trước khi ra mắt độc giả.
- Theo ông, để có một tác phẩm văn học dịch hay, yếu tố nào quan trọng nhất?
Dịch tức là sáng tác mà sáng tác thì tiếng mẹ đẻ là yếu tố chính và quan trọng. Có rất nhiều người giỏi tiếng nước ngoài, giỏi tiếng Nga hay là tiến sĩ ngôn ngữ nhưng không phải ai cũng dịch ra tác phẩm hay. Vì vậy, bên cạnh việc chọn tác phẩm gốc, việc giỏi tiếng nước ngoài cần phải giỏi tiếng Việt, phải thuộc các câu ca dao làng quê của Việt Nam để vận dụng vào dịch và phải có kiến thức về những điều mình đang dịch.
- Khi nào quỹ khởi động?
Hiện nay một số đầu việc đang được triển khai. Trong đó có việc giới thiệu để các bạn Nga dịch tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng, Mưa mùa hạ của nhà văn Ma Văn Kháng, Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cùng tuyển truyện ngắn, thơ Việt Nam thời kỳ 20 năm trở lại đây. Vào ngày 24-7, tại Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga, quỹ sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Nga đầu tiên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm do các dịch giả hai nước thực hiện. Ban điều hành quỹ dự kiến đẩy mạnh giới thiệu, tuyển chọn những tác phẩm hay của Nga để tổ chức dịch và xuất bản.
Vĩnh Xuân (thực hiện)