
* Cuối tháng 7, nhiều trường công bố điểm thi
* Bộ GD-ĐT công bố đáp án các khối B,C và D
Ngày 10-7, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành môn thi cuối cùng của đợt thi thứ 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Ngoài những vấn đề về đề thi, số thí sinh vi phạm quy chế tăng cao, đợt thi này đã khắc phục được những sự cố hy hữu trong công tác coi thi. Ngày 15 và 16-7, thí sinh sẽ tiếp tục dự thi đợt 3 vào các trường CĐ. Đợt thi này có gần 500.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi.
(SGGPO).- Chiều 10-7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp báo về 2 đợt thi đại học vừa diễn ra. Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, trên phạm vi toàn quốc, 2 đợt thi đại học năm 2011 có 326 thí sinh vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 69, cảnh cáo 17, đình chỉ thi 240. Có 6 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó 1 cảnh cáo và 5 đình chỉ (năm 2010 có 256 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật và 9 cán bộ vi phạm bị xử lý).
Hai đợt thi đại học năm 2011, toàn quốc có 217 lượt trường đại học tổ chức thi (đợt I có 107 trường, đợt II có 110 trường).

Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa. Ảnh: Mai Hải
Lần đầu tiên phải sử dụng đề thi dự bị
Tại buổi đã họp báo về 2 đợt thi tuyển sinh ĐH năm 2011, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cả 2 đợt là 1,333 triệu thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 78,58%, tăng 1,58% so với năm 2010. Như vậy, so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, năm nay số thí sinh ảo là trên 200.000 thí sinh, ít hơn so với mọi năm. Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi tuyển sinh được bảo mật tuyệt đối; đề thi có nội dung cơ bản, chính xác, bao quát và nằm trong chương trình trung học, chủ yếu là lớp 12. Đề thi không quá dài, không quá khó, phù hợp với thời gian làm bài theo từng bộ môn và có khả năng phân loại tốt. Đề thi không có sai sót cả về nội dung và hình thức.
“Sạn” lớn nhất của 2 kỳ thi vừa qua, theo nhìn nhận của ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học - Sau đại học (Bộ GD-ĐT) là đã để xảy ra những sự cố làm ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, buộc Bộ GD-ĐT phải can thiệp. Cụ thể, tại phòng thi số 41, điểm thi Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật thông tin có 24 thí sinh dự thi. 2 cán bộ coi thi đã thu lại bài làm của thí sinh sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để thí sinh chép lại bài thi do cán bộ coi thi ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi. Về sai sót này, Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Ban Tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng thống nhất phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. “Đây là lần đầu tiên sau 10 năm thực hiện thi theo phương thức “3 chung”, Bộ GD-ĐT đã phải dùng đến đề thi dự bị, dù chỉ để phục vụ cho 3 thí sinh”, ông Khôi cho biết.
Trước chất vấn của báo chí khi cho rằng năm nay, Bộ GD-ĐT chủ quan trong công tác chỉ đạo thi nên mới để xảy ra các sự cố đáng tiếc, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Không có chuyện chủ quan nhưng bộ phải rút kinh nghiệm trong việc tập huấn cho cán bộ coi thi, công tác in sao đề thi để kỳ thi thực sự diễn ra an toàn và nghiêm túc”.
Bình luận về số thí sinh vi phạm quy chế tăng nhiều so với năm trước, ông Ga cho biết: “Vì nhận thức kém, nôn nóng nên các em vẫn mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi. Các em đã tự đánh mất cơ hội của mình”.
* Bộ GD-ĐT công bố đề thi và đáp án các khối B,C và D
- Khối B:
* Môn Sinh học:
>> Đề thi mã đề 469
* Môn Toán
* Môn Hóa học:
- Khối D
* Môn Ngữ văn:
* Môn Toán học:
* Môn Ngoại ngữ:
** Anh văn
** Tiếng Pháp:
** Tiếng Đức:
** Tiếng Nga
** Tiếng Nhật
** Tiếng Trung:
- Khối C
* Môn Ngữ văn:
* Môn Lịch sử
* Môn Địa lý:
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đổi mới tuyển sinh phải có lộ trình
Tại buổi họp báo chiều ngày 10-7, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề điểm sàn và cải tiến tuyển sinh.
- Phóng viên: Nhận định của ông về điểm sàn ĐH năm 2011?
>> Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Chủ trương xuyên suốt của bộ đối với ban ra đề thi là ra đề không quá khó, phức tạp, có tính phân hóa cao, phân loại thí sinh hợp lý. Với đề thi năm nay, thí sinh đạt điểm tuyệt đối ít đi, thí sinh điểm thấp cũng giảm nhưng đạt điểm trung bình có thể tăng lên và các trường có thể tuyển được nhiều thí sinh vào học. Với đề thi mang tính phân hóa cao như năm nay, điểm sàn sẽ không thấp hơn mọi năm. Tuy nhiên, phải đợi chấm thi xong, hội đồng điểm sàn mới quyết định.
- Từ những sự cố của kỳ tuyển sinh năm nay, việc đổi mới tuyển sinh có tiếp tục được đặt ra?
Các sự cố diễn ra trong kỳ thi năm nay đều mang tính kỹ thuật. Công tác chỉ đạo thi rất được chú trọng, tập huấn các khâu đều kỹ càng. Tuy nhiên, do giám thị lúng túng, thiếu năng lực cũng như bất cẩn ở khâu nào đó của việc in sao đề thi nên đã để xảy ra 2 sự cố trên. Hai đợt thi ĐH lớn, với hàng triệu thí sinh tham gia, sự cố kỹ thuật là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị tốt cũng như xử lý kịp thời nên đã hạn chế tối đa hậu quả. Sau 10 năm, chúng ta đã phải sử dụng đề thi dự bị chỉ để phục vụ cho 3 thí sinh. Điều đó cũng cho thấy công tác chuẩn bị rất chu đáo.
Với việc đổi mới tuyển sinh được bộ xem là công việc trọng tâm. Dự kiến từ nay đến năm 2015, bộ sẽ đổi mới từng bước và sau năm 2015 sẽ đổi mới căn bản, toàn diện. Mục tiêu là thi cử phải gọn nhẹ, thiết thực, không còn áp lực. Nhưng đổi mới toàn diện tuyển sinh phải song song với đổi mới cách dạy và học ở phổ thông, vì vậy phải có lộ trình để các em thay đổi. Hiện nay, do số thí sinh có nhu cầu thi ĐH cao hơn 3 lần so với với chỉ tiêu nên kỳ thi bị áp lực lớn. Bộ GD-ĐT đang mở rộng mạng lưới ĐH-CĐ để đến năm 2020, toàn bộ 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đều có thể vào học ĐH được. Lúc đó áp lực thi sẽ không còn, đó cũng là lúc chúng ta hoàn toàn kiểm soát được đào tạo, giải quyết dứt điểm áp lực tuyển sinh. Còn hiện tại, khi “cầu” lớn hơn “cung”, vẫn phải tiếp tục thi tuyển để bảo đảm phân loại.
Phan Thảo (thực hiện)
- Những trường chỉ thi khối A hoặc B sẽ có điểm sớm
Thông tin từ nhiều hội đồng tuyển sinh cho biết, ngay sau kết thúc đợt thi thứ 2, các viện, trường đại học sẽ tiến hành cắt phách và chấm bài thi môn tự luận. Những trường chỉ thi khối A hoặc khối B dự kiến sẽ có điểm thi sớm. Trường ĐH Kinh tế TPHCM (chỉ thi khối A) hiện đang chấm bài thi tự luận môn Toán và dự kiến sẽ có kết quả điểm thi vào cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, Khoa Y - ĐH Y Dược, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM… dự kiến sẽ có điểm thi sớm. Những trường như ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ… cũng đang bắt đầu chấm thi khối A.
T.Hùng
- Đề môn Địa lý quá dễ
Đề Địa năm nay bám sát tình hình thời sự biển Đông nên tạo hứng khởi cho thí sinh làm bài. Nội dung đề thi đều năm gói gọn trong sách giáo khoa Địa lớp 12. Yêu cầu của đề thi trải đều chương trình lớp 12, bám sát sách giáo khoa và phù hợp với cấu trúc đề thi do Cục Khảo thí ban hành, vừa sức học sinh. Đa số các câu đều là câu hỏi lý thuyết như câu I, câu II và câu IV.a, câu IV.b chỉ cần thí sinh học trong sách giáo khoa là có thể làm được. Riêng câu III là câu hỏi về thực hành địa lý, thí sinh cần có khả năng phân tích và giải thích thì có thể làm được. Nhìn chung, đề thi môn Địa khá dễ, rõ ràng, không có những ý mơ hồ gây hiểu lầm cho học sinh. Nếu học sinh nắm vững kiến thức sẽ đạt điểm cao. Dự đoán học sinh trung bình sẽ đạt được khoảng 5 điểm do các em đã thi tốt nghiệp THPT môn Địa trước đó.
Cô Đặng Thị Chiếu Huyền (Giáo viên
Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TPHCM)
- Đề môn tiếng Anh dài và khó
Đề thi năm nay khó hơn đề thi những năm trước. Với độ khó và độ dài như thế nên thời gian làm bài chỉ phù hợp cho những học sinh có trình độ khá giỏi trở lên. Nội dung đề thi trải đều tất cả các vấn đề: Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc, kỹ năng viết. Một số câu được đưa vào ở mức độ ngữ pháp nâng cao, nếu không được luyện tập học sinh phổ thông đơn thuần sẽ không làm được. Từ vựng được sử dụng trong bài rộng và khó. Học sinh cần phân biệt ngữ cảnh của câu cho rõ mới có được đáp án đúng.
Đề thi năm nay có thêm hình thức mới là kiểm tra từ đồng nghĩa và phản nghĩa nhưng nói chung không khó. Phần đọc hiểu có đề tài khá phức tạp. Độ dài mỗi bài vượt quá 400 từ không dễ để học sinh có kịp thời gian đọc hiểu kỹ và trả lời. Phần chọn câu sát nghĩa với câu cho sẵn tương đối dễ, thí sinh dễ dàng tìm đáp án chính xác. Đề thi tiếng Anh năm nay khó, dài, đạt yêu cầu phân loại trình độ học sinh.
Thầy Bạch Thanh Minh
(Trung tâm Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn)
- Thí sinh khó đạt điểm giỏi môn Hóa
Đề Hóa khối B so với đề Hóa khối A có độ khó tương đương. Cấu trúc đề thi trải khắp chương trình phổ thông lớp 12 và chiếm khoảng 70%. Điểm khác biệt là đề Hóa dành cho thí sinh khối B có phần lý thuyết không theo kiểu học thuộc lòng như ở khối A. Các bài toán chiếm nhiều thời gian vì giống như bài tự luận, nghĩa là yêu cầu thí sinh phải suy luận để giải quyết đề bài. Học sinh đạt 5 điểm chiếm khoảng 50%-60% và sẽ rất khó để đạt điểm giỏi. Đề thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Thầy Trần Hớn Quốc
(ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM)
Kết thúc đợt hai kỳ thi tuyển sinh Đại học 2011, hơn 200 thí sinh vi phạm quy chế thi bị kỷ luật
Sáng 10-7, các thí sinh dự thi Đại học 2011 đợt 2 đã hoàn tất các môn thi cuối cùng (môn tiếng Anh khối D, môn Hóa khối B và môn Địa khối C) khá tốt.
Theo Bộ Giáo dục-Đào tạo, buổi thi cuối cùng vào sáng nay, có 80,10% thí sinh dự thi, giảm hơn so với chiều qua (80,30%) và sáng qua (80,49%). Đề thi các môn bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12; không có sai sót; không có hiện tượng nhầm mã đề thi môn thi trắc nghiệm.

Thí sinh trao đổi bài làm sau khi thi môn Hóa. Ảnh: Trần Thanh
Cả nước có 96 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 70 thí sinh bị đình chỉ thi. Toàn đợt thi đại học thứ 2 trên cả nước đã có 203 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật (khiển trách 36; cảnh cáo 7; đình chỉ 160), trong số thí sinh bị đình chỉ thi có 56 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong 3 buổi thi của đợt thi đại học thứ 2 có 2 cán bộ coi thi bị xử lí kỷ luật.
Đợt thi thứ 2 cơ bản không sự cố trầm trọng như đợt 1, tuy nhiên, số thí sinh vi phạm quy chế thi tăng nhiều. Điều này đã được dự đoán vì đây là đợt thi có nhiều môn tự luận, thí sinh cố tình mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi (cả đợt 1 chỉ có 126 thí sinh vi phạm quy chế thi).
- Đà Nẵng: Một thí sinh xin đổi môn thi vào giờ chót
Theo báo cáo nhanh của Ban thường trực coi thi ĐH Đà Nẵng, trong đợt 2 này, Có 16.965 trong tổng số 19.612 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký đã dự thi cả 3 môn ở các khối B, C, D, M (đạt tỷ lệ 86,43%). Có 4 thí sinh bị đình chỉ thi, 3 thí sinh bị khiển trách do trao đổi trong lúc làm bài thi. Không ghi nhận trường hợp, cán bộ, giám thị coi thi vi phạm quy chế thi.
Đặc biệt, thí sinh Phùng Thị Kiều Liên, SN 1993, SBD DDFD.475772, thi khối D4, điểm Trường CĐ Công nghệ (Đà Nẵng), sau khi thi hết 2 môn Toán và Văn đã xin đổi môn thi vào giờ chót. Cụ thể, trong sáng ngày 10-7, khi thi môn ngoại ngữ, lúc lật đề lên để làm bài thi, thí sinh bảo không biết tiếng Trung mà muốn thi môn tiếng Anh.
Sau khi xem xét, Hội đồng coi thi đã lập biên bản và cho phép thí sinh được làm đề thi môn tiếng Anh theo yêu cầu điều chỉnh của thí sinh. Hồ sơ thí sinh được điều chỉnh thông tin khối thi từ khối D4 sang khối D1.
- Quy Nhơn: Công tác thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc
Theo Báo cáo của Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi Quy Nhơn, kết khúc đợt thi tuyển sinh Đại học thứ 2, toàn cụm có 33.018 thí sinh hoàn thành đầy đủ các môn thi, chiếm tỷ lệ 85,81% trong tổng số 38.478 thí sinh đăng ký dự thi. Kết khúc đợt thi này, cụm thi Quy Nhơn chỉ có 1 thí sinh bị lập biên bản đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi trong buổi thi môn Lịch Sử.
Trường ĐH Quy Nhơn có 85,36% trong tổng số 13.565 thí sinh đăng ký dự thi hoàn thành đủ bài thi.
PGS.TS Đinh Thanh Đức – Phó chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi Quy Nhơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn – cho biết: Công tác tổ chức thi, điểm thi, coi thi, giám sát thi và công tác giao nhận đề thi, bài thi… đợt thi tuyển sinh thứ 2 tại Cụm thi Quy Nhơn được tổ chức rất tốt và đúng với quy chế, không có những trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại Cụm thi Quy Nhơn năm nay là việc xây dựng “Danh sách và bản đồ vệ tinh 63 địa điểm thi Tuyển sinh Đại học Năm 2011 tại cụm thi liên trường Quy Nhơn” nhằm giúp thí sinh tìm địa điểm thi dễ dàng hơn. Để xem sơ đồ thực tế của địa điểm thi, thí sinh chỉ cần bấm vào chữ "Xem" tương tứng trong cột "Bản đồ", để xem đường đi hãy bấm chữ "Dẫn..." của địa điểm thi trong cột "Đường đi". Sau chữ dẫn là khoảng cách tính từ Trường Đại học Quy Nhơn đến địa điểm thi.
- Phía Nam: Trên 80% thí sinh dự thi
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 Bộ GD-ĐT tại phía Nam, trong đợt thi thứ 2, nhiều trường tại các cụm thi ở phía Nam có tỉ lệ thí sinh dự thi khá cao, trên 80%.
Tại Cụm thi TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trên 87% dự thi, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trên 80%, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM gần 86%, Trường ĐH Tài chính Marketing trên 81%. Cụm thi Cần Thơ cũng có trên 82% thí sinh dự thi. Các trường khác như ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên, An Giang… cũng có trên 80% thí sinh dự thi.
Kết thúc ngày thi cuối cùng của đợt 2, tại phía Nam có tổng cộng 15 thí sinh bị đình chỉ thi. Riêng buổi thi cuối cùng sáng nay có thêm 5 trường hợp. Cụ thể, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM, giám thị đình chỉ thi 1 thí sinh mang điện thoại đi động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, điểm thi tại cơ sở 2 (quận 7) 1 thí sinh bị đình chỉ vì mang tài liệu vào phòng thi. Đặc biệt, tại Trường ĐH Luật TPHCM có đến 3 thí sinh bị đình chỉ. Trường ĐH Y dược TPHCM đình chỉ 2 thí sinh do lỗi mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, một thí sinh làm bài được 2/3 thời gian đã bị ngất xỉu và đưa xuống phòng y tế cấp cứu. Ngoài ra, tại hội đồng thi này cũng có 5 thí sinh đánh rơi giấy CMND và 2 thí sinh bị mất cặp và điện thoại do để ngoài hành lang không có người giữ.
Ngoài ra, các khu vực lân cận cũng có thí sinh vi phạm bị đình chỉ với số lượng tương đương ngày hôm qua. Ở Trường ĐH Đồng Nai, có 2 thí sinh bị đình chỉ, trong đó 1 thí sinh mang điện thoại, 1 thí sinh mang tài liệu. Trường ĐH Đà Lạt đình chỉ 1 thí sinh mang điện thoại.
Tại Cụm thi ĐH Cần Thơ, điểm thi Trung tâm ĐH Tại chức Khu B (Trường ĐH Cần thơ) đình chỉ 1 thí sinh mang điện thoại di dộng bị giám thị phát hiện. Điểm thi tại Trường ĐH Tây Đô cũng đình chỉ 1 thí sinh viết tài liệu lên tay và ngay lập tức giám thị coi thi phát hiện được.
Đặc biệt, trong đợt thi này số cán bộ coi thi bị đình chỉ không giảm so với đợt 1 dù đã có công điện khẩn của Bộ GD-ĐT. Riêng TPHCM, ngoại trừ 1 cán bộ coi thi của Trường ĐH Kinh tế - Luật bị cảnh cáo, hôm qua còn có 2 giám thị bị đình chỉ thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Luật TPHCM và Trường ĐH Vinh.
Ngoài ra, trong 2 ngày thi, tình hình giao thông ở TPHCM khá tốt, không xảy ra kẹt xe dài vì nhờ có sự kết hợp của lực lượng cảnh sát giao thông.


Cảnh đông đúc tại phòng bán vé Bến xe Miền Đông sáng 10-7. Ảnh: T.Đạt

Xe chật cứng nhưng nhiều phụ xe tuyến Huế - Đà Nẵng vẫn chèo kéo thí sinh và phụ huynh đứng dọc đường. Ảnh: Văn Thắng.
Nhóm PV