Khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 3,1%, nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới.

Tiêu dùng yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng ảm đạm của Eurozone. Ảnh: Financial Times
Tiêu dùng yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng ảm đạm của Eurozone. Ảnh: Financial Times

Cải thiện đáng kể

IMF dự báo trong năm 2024 và 2025 tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử, gần đây là 3,8% do tác động liên tục của lãi suất tăng cao, việc các chính phủ ngừng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 và tình trạng năng suất thấp kéo dài.

IMF dự báo lạm phát chung không thay đổi, ở mức 5,8% trong năm 2024, nhưng có sự thay đổi cơ bản đáng kể giữa các nước giàu và nghèo hơn. Cụ thể, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển dự báo là 2,6% năm 2024, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10-2023, trong khi lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến đạt 8,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là ở Argentina, nơi giá tiêu dùng tăng hơn 200% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. IMF đảo ngược dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này từ mức 2% trong báo cáo hồi tháng 10-2023 xuống -2,8%, trong báo cáo công bố ngày 30-1.

Theo IMF, ngoại trừ Argentina, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 4,9% trong năm nay. Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều có những cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng năm 2024. IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt tăng trưởng 4,6% trong năm nay, tăng 0,4% so với dự báo trước, mặc dù tốc độ này thấp hơn mức 5,2% của năm 2023.

Khả năng phục hồi của Mỹ, Trung Quốc và hiệu suất mạnh mẽ của các nền kinh tế thị trường mới nổi đều góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng hơn một chút. Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. IMF dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10-2023. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng cho Nga, Iran và Brazil.

Tác dụng từ cuộc chiến chống lạm phát

Trong khi nhiều nền kinh tế châu Á tăng trưởng tốt, châu Âu tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng toàn cầu, trong đó IMF nhấn mạnh đến khu vực Eurozone. Theo IMF, trong các nền kinh tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), tăng trưởng ở các nước châu Âu vẫn yếu trong khi Nhật Bản và Canada dự kiến tăng trưởng tốt hơn. Ngoại trừ Argentina, tất cả các quốc gia được nêu trong báo cáo đều sẽ có mức tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là một sự cải thiện so với năm 2023, khi 4 trong số 30 nền kinh tế được nêu trong báo cáo chịu cảnh suy thoái.

Theo nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, “những gì chúng ta thấy là nền kinh tế toàn cầu rất kiên cường trong nửa cuối năm ngoái và điều đó sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024”. Cuộc chiến chống lạm phát đang giành thắng lợi, tạo tiền đề cho các ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh và các tổ chức tài chính khác bắt đầu nới lỏng lãi suất chính sách của họ. Từ đây đến nửa cuối năm nay, thế giới sẽ chứng kiến ​​việc cắt giảm lãi suất.

Tin cùng chuyên mục