Khắc phục nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) TPHCM đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, vì tình hình bội chi ở một số nhóm đối tượng ngày càng trầm trọng hơn. Đây là vấn đề nhiều bạn đọc đang rất quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, về giải pháp khắc phục tình trạng bội chi, vỡ quỹ BHYT trong năm 2012.* Phóng viên:
Khắc phục nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) TPHCM đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, vì tình hình bội chi ở một số nhóm đối tượng ngày càng trầm trọng hơn. Đây là vấn đề nhiều bạn đọc đang rất quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, về giải pháp khắc phục tình trạng bội chi, vỡ quỹ BHYT trong năm 2012.

* Phóng viên:
Thưa ông, trong năm 2011 TPHCM thực hiện cân đối quỹ BHYT ra sao và kết dư được bao nhiêu?

* Ông CAO VĂN SANG: Năm 2011 TPHCM có trên 4,7 triệu người tham gia BHYT, tổng quỹ BHYT thu được 3.315 tỷ đồng, trong đó chi phí khám chữa bệnh cho 11,78 triệu lượt người có thẻ BHYT là 3.246 tỷ đồng. Như vậy, quỹ BHYT của TPHCM kết dư được 69 tỷ đồng; so với năm trước, mức kết dư giảm 26 tỷ đồng. Tuy tổng quỹ BHYT của TPHCM có kết dư, nhưng vẫn phát sinh bội chi cục bộ ở một số nhóm đối tượng như người hưởng lương hưu, chính sách có công, bảo trợ xã hội. Nhóm này chỉ đóng góp 6,6% trong tổng quỹ BHYT nhưng sử dụng đến 27% tổng quỹ khám chữa bệnh, bội chi đến 664 tỷ đồng. Nhóm thứ hai là người tham gia BHYT tự nguyện (gần 630.000 người), đóng góp 5,2% trong tổng quỹ BHYT nhưng sử dụng đến 37,6% tổng quỹ khám chữa bệnh, bội chi đến 1.054 tỷ đồng.

Như vậy, riêng 2 nhóm trên vì lý do cao tuổi hoặc đều mắc bệnh nên sử dụng thẻ BHYT thường xuyên, khiến bội chi cục bộ lên đến 1.718 tỷ đồng, chiếm trên 52% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của TP. Riêng diện tự nguyện hầu như đến khi đã có bệnh mới mua BHYT. Tần suất sử dụng thẻ của nhóm hưu trí, người có công, bảo trợ xã hội là 6 lần/thẻ/năm và nhóm tự nguyện là 7,37 lần/thẻ/năm. Điều này cho thấy nguyên tắc chia sẻ, số đông bù số ít của BHYT đã bị phá vỡ.

Khám bệnh cho bệnh nhân sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Kim Ngân

Khám bệnh cho bệnh nhân sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Kim Ngân

* Còn nguyên nhân nào khác cần mổ xẻ, thưa ông?

* Theo tôi, năm 2012 quỹ BHYT của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ bội chi với lý do chủ yếu như chi phí điều trị sẽ được tính đủ với việc nâng viện phí theo đề xuất của Bộ Y tế. Thực tế, nhiều dịch vụ có giá thấp cần phải điều chỉnh cho tương xứng với chất lượng các dịch vụ mà cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người bệnh. Việc điều chỉnh đó sẽ gây ra bội chi. Nếu bình quân mỗi lượt khám chữa bệnh tăng thêm 15.000 đồng, với 12 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, chi phí sẽ tăng thêm 180 tỷ đồng (so với kết dư năm 2011 chỉ có 69 tỷ đồng). Nếu tính hàng trăm dịch vụ khác được tăng giá thì mức bội chi càng trầm trọng hơn.

Tốc độ cập nhật các tiến bộ y học, thuốc chữa bệnh… của ngành y tế TPHCM ngày càng nhanh. Nhờ vậy, người dân TPHCM, trong đó có người tham gia BHYT, được chữa trị tốt hơn. Chất lượng tốt hơn tất nhiên cũng sẽ phải tốn kém hơn. Đây là nguyên nhân quỹ BHYT của TPHCM được sử dụng nhiều hơn các tỉnh - thành khác, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. UBND TPHCM mới phê duyệt bổ sung 297 dịch vụ kỹ thuật được thanh toán BHYT (đa phần có chi phí lớn) là minh chứng cụ thể cho vấn đề này. Các dịch vụ đó sẽ được sử dụng rộng rãi trong năm 2012 và các năm sau đó.

Ngoài ra, mức độ tiếp cận thông tin, luật pháp của người dân ngày càng cao. Do vậy, nếu mắc bệnh (nhất là bệnh mãn tính) người dân sẽ mua BHYT tự nguyện. Thậm chí, người có bệnh ở các tỉnh trong khu vực cũng đăng ký tạm trú để khám chữa bệnh tại TPHCM. Nguyên tắc chia sẻ rủi ro của BHYT bị phá vỡ, không thể thực hiện được mục đích dùng tiền đóng của người khỏe để chữa trị cho người bệnh. Theo dõi 2 năm gần đây cho thấy nguyên nhân này chưa có dấu hiệu dừng lại (diện tự nguyện năm 2012 bội chi 736 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 1.054 tỷ đồng), dự báo tình trạng này sẽ trầm trọng hơn trong năm 2012.

* Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng bội chi và nguy cơ vỡ quỹ BHYT?

* Với những lý giải trên, có thể thấy giảm chi từ quỹ BHYT là không khả thi (ngoại trừ do ngăn chặn sự lạm dụng quỹ BHYT). Do đó, để cân đối quỹ BHYT, về nguyên tắc phải tăng được nguồn quỹ. Để tăng nguồn quỹ BHYT, có 2 hướng. Hướng thứ nhất là tăng mức đóng cho quỹ BHYT. Luật BHYT quy định mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương, tiền công. Hiện nay, mức đóng bằng 4,5%. Như vậy, nếu cần thiết cho mục tiêu cân đối quỹ, vẫn có thể nâng tối đa 1/3 mức đóng hiện nay cho đủ 6%. Cùng với tiến trình nâng mức lương tối thiểu chung (dự kiến tháng 5-2012 là 1,05 triệu đồng), việc nâng tỷ lệ đóng vào quỹ BHYT sẽ giúp quỹ được cân đối.

Có thể đề xuất này sẽ ảnh hưởng đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động nhưng so với các nước, tỷ lệ đóng góp cho quỹ BHYT của Việt Nam còn thấp nên khó có thể né tránh giải pháp này. Trước mắt, có thể tăng nguồn quỹ bằng cách chuyển phần bao cấp của ngân sách nhà nước đầu tư cho các bệnh viện công lập để hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT (vì đã được tính đúng giá). Đây cũng là cách để động viên mọi người cùng đóng BHYT tự nguyện (có đóng mới được hỗ trợ phần còn lại). Hướng thứ hai là thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân.

Theo Luật BHYT, đến cuối năm 2014 sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình BHYT toàn dân. Thực hiện được lộ trình này sẽ huy động được sự đóng góp của toàn thể người dân cho quỹ BHYT. Ngoài ra, phải quyết liệt hạn chế những hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, để sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ. Khi đã thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân, các hiện tượng phân biệt đối xử, lạm dụng quỹ BHYT... sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục