Khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan

Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21-3, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng đã được Chính phủ trình, xin ý kiến  Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan

(SGGPO).- Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21-3, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng đã được Chính phủ trình, xin ý kiến  Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng đã sửa đổi, bổ sung 53 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lắp. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS-TS Bùi Đức Phú. Ảnh: T.L

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS-TS Bùi Đức Phú. Ảnh: T.L

Đơn cử, thời điểm xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay, tạo điều kiện tôn vinh vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước.

Các hình thức Huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48) cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng: nâng cao tiêu chuẩn, chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét các hình thức khen thưởng, mà lấy các hình thức khen thưởng cấp thấp để khen thưởng cấp cao hơn; tránh khen thưởng tràn lan, trùng lắp, “tích lũy thành tích” và dồn khen thưởng lên cấp trên. Thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Lao động lên Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng là 10 năm thay cho 5 năm như hiện nay. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn cụ thể để những người lao động có thành tích, dù không phải là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cũng sẽ được khen thưởng. Dự luật cũng bổ sung quy định về tặng Huân chương Sao vàng cho nguyên thủ nước bạn.

Đáng lưu ý, dự Luật đã bổ sung hình thức khen thưởng cấp Nhà nước “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng hoặc truy tặng cho đối tượng là Thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong hai cuộc kháng chiến.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, thanh niên xung phong kháng chiến là lực lượng đã có nhiều hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, cần có sự ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. “Từ trước tới nay, chưa có hình thức khen thưởng nào riêng cho thanh niên xung phong, một bộ phận thanh niên xung phong chưa được khen thưởng hình thức cấp nhà nước do thời hạn tham gia chưa đủ tiêu chuẩn để xét tặng các hình thức khen thưởng kháng chiến”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất trong khen thưởng kháng chiến, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát và tổng kết khen thưởng kháng chiến theo quy định tại khoản 1, Điều 101 của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành; làm rõ sự tương quan giữa Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến với các hình thức khen thưởng kháng chiến khác, tương quan với khen thưởng các đối tượng người có công khác cùng tham gia kháng chiến… Trên cơ sở đó, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với vấn đề này cho phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đồng tình với mục tiêu, nguyên tắc và nhiều điều khoản được bổ sung, sửa đổi trong dự Luật; song còn băn khoăn về tiêu chuẩn xét chọn, hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách.  

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thẳng thắn góp ý: “Không nên đặt ra thêm danh hiệu Nhà khoa học nhân dân và Nhà khoa học ưu tú. Đã là Nhà khoa học thì vinh danh thành tựu sáng tạo của họ, bằng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn vinh danh đóng góp cho cộng đồng đối với một số nghề đặc biệt như thầy thuốc, nhà giáo thì đã có Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân… Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có “Nhà khoa học nhân dân”!  Ngoài ra, “Danh nhân” cũng không phải là danh hiệu thi đua khen thưởng”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, cần hết sức tránh tính hình thức, đảm bảo các danh hiệu vinh dự được trao cho những đối tượng thực sự xứng đáng; đảm bảo ý nghĩa thực sự của công tác thi đua, khen thưởng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục