Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngay trước khi Quốc hội khóa XIV bế mạc kỳ họp thứ nhất, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là với việc ban hành Chỉ thị 1792, sau đó được luật hóa trong Luật Đầu tư công. Tại kỳ họp tháng 10 tới đây, lần đầu tiên kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn trình Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhận định, việc thực hiện Luật Đầu tư công cũng đang có những vướng mắc nhất định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
- PV: Thưa ông, mặc dù ghi nhận rằng với việc phân bổ vốn trung hạn, tình hình thực hiện đầu tư công đã được cải thiện, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) đã giảm đáng kể. Thế nhưng, tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư mới đây, có nhiều ý kiến lo ngại về sự chậm trễ trong việc giao và thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm. Ông có thể cho biết vì sao?
>> Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc giao vốn trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Có một số vấn đề kỹ thuật, dẫn đến “lệch pha” số liệu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính; hiện nay hai bộ đang rà soát, thống nhất.
Cũng phải nói rõ rằng hiện nay nền kinh tế đang có một số khó khăn về nguồn thu và nợ công đang ở mức cao. Chúng ta đang tính toán kế hoạch đầu tư cho 5 năm, mà ngay năm nay thì đã có thể bị hụt thu một ít rồi, công tác dự báo cho các năm sau phải chính xác, thận trọng; nếu cứ làm nhanh, không tính kỹ thì kế hoạch lại phá sản. Cũng đang có ý kiến đề nghị để lại một khoản dự phòng, chưa chia vội; để về sau, nếu có hụt thu thì vẫn có khoản để bù đắp; hoặc là để xử lý một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Nhưng dù sao đi nữa thì bố trí vốn trung hạn là hướng phải quyết tâm làm, vì những lợi ích rất rõ ràng. Trước đây, khi chia vốn hàng năm kiểu “ăn đong”, các bộ, ngành và chủ đầu tư thường rất bị động. Một dự án có khi phải thực hiện trong hàng chục năm, địa phương và chủ đầu tư luôn phấp phỏng không biết mỗi năm có được không, được thì bao nhiêu. Giờ nhìn vào kế hoạch 5 năm thì biết ngay là dự án của địa phương mình, ngành mình có được đưa vào kế hoạch không, được bố trí vốn bao nhiêu, có đủ không… để chủ động điều tiết trong 5 năm đó, hoàn thành dứt điểm dự án và đưa vào sử dụng sớm.
Cùng với đó, rất cần phải đổi mới quy trình, cách thức thực hiện để làm sao xây dựng kế hoạch năm 2017 nhanh nhất, hiệu quả nhất, phân giao thực hiện cũng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Xây dựng kế hoạch là quan trọng, nhưng đã đến lúc phải dành thời gian cho việc nghiên cứu cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng chiến lược, xem xét quy hoạch phát triển…
- Theo số liệu được công bố tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư vừa qua, trong 6 tháng đầu năm 2016, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 32,2% kế hoạch năm. Con số này của cùng kỳ năm ngoái là 44,4%. Nguồn Trái phiếu Chính phủ cũng mới đạt 23% (cùng kỳ 34%)…
Đúng vậy và nếu không cải thiện, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó đạt. Tôi cho rằng các bộ, ngành trung ương và địa phương phải tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đi đôi với việc kiểm soát bảo đảm chất lượng dự án và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát tình hình triển khai thực hiện và giải ngân theo kế hoạch; đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm vốn các dự án triển khai chậm, điều chuyển bổ sung cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công hoàn thành theo đúng tiến độ và thời gian quy định.
- Tại kỳ họp Quốc hội, có vị đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ chưa hài lòng về tình trạng đầu tư công kém hiệu quả. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Bên cạnh những hạn chế như đã nói thì việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án hiện nay còn bị buông lỏng, nhiều trường hợp xây dựng dự án với tổng mức đầu tư quá lớn, dư thừa công suất, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực. Tôi cho rằng Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành phải vào cuộc, sớm ban hành các tiêu chuẩn, định mức để làm căn cứ phê duyệt quyết định đầu tư. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư công. Đối với nhà đầu tư thì phải chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng, để khi các dự án được bố trí vốn thì có khả năng thực hiện ngay, rút ngắn thời gian thực hiện và thi công dự án, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quyết định đầu tư. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư công hạn chế, phải lựa chọn những dự án thật sự cấp bách, cần thiết để bố trí vốn. Tư tưởng này phải được thể hiện xuyên suốt trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
ANH THƯ (thực hiện)