Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động.
Những tháng đầu năm 2022, thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc; người lao động đã trở lại làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn xảy ra; chủ yếu tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; nhiều nhất trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do dịch bệnh Covid-19, người lao động phải tạm thời nghỉ việc để điều trị, cách ly và chăm sóc người thân. Việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động phải được tiến hành tổng thể trên cơ sở các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Phó Thủ tướng giao Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Bộ KH-ĐT nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia quy hoạch, phát triển nhà ở cho người lao động. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Về lâu dài, để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT, các bộ ngành, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu bảo đảm phù hợp và sử dụng tối đa các yếu tố thuận lợi của thị trường lao động trong quá trình xây dựng các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bộ LĐTB-XH chú trọng triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chương trình phù hợp để mở thêm các chuyên ngành mới liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0; phối hợp với Bộ NN-PTNT rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số...