Không chỉ có cơ hội trải nghiệm quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa nhân loại bừng sáng vào đêm giao thừa, khách quốc tế đến Huế dịp này còn để khám phá tầng sâu văn hóa thông qua phong tục đón Tết Nguyên đán cổ truyền của người dân bản địa.
Lần đầu đặt chân đến Việt Nam trong một kỳ nghỉ nhưng ông Oliver Chambard (quốc tịch Pháp) quyết định chọn Huế làm điểm lưu trú dịp tết cổ truyền. Ông Oliver Chambard chia sẻ: “Tết Nguyên đán không phải là phong tục riêng của người Huế. Tuy nhiên, từng là kinh đô cuối cùng ở Việt Nam nên Huế vẫn còn giữ được nhiều nét riêng thú vị trong việc đón và ăn Tết… Ở đất nước chúng tôi, kỳ nghỉ tết cũng là dịp tụ họp gia đình, bạn bè. Nhưng khác với ngày tết của các bạn.
Trước tết, ai cũng bận rộn dọn dẹp nhà cửa, thức trắng đêm gói bánh tét, thăm hỏi động viên nhau trong bữa tiệc cúng tất niên xóm, ngõ… Đây là kỳ nghỉ tuyệt vời, một kỷ niệm sâu sắc của tôi và gia đình cũng như các thành viên trong đoàn. Chúng tôi tiếp tục ở lại Huế đến hết 3 ngày tết để được cùng chơi các trò chơi dân gian, cờ tướng, vật tay, nhảy bao bố, bài chòi, ca Huế, chọi gà tại Công viên Thương Bạc…”.
Ấn tượng sâu đậm từ lần đầu đón Tết Nguyên đán cổ truyền Canh Dần 2010 tại Hội An, bà Julia Moor (du khách Mỹ) quyết định trở lại Việt Nam và chọn Huế ăn cái tết thứ hai. Bà Julia Moor tâm sự: “Thật sự thú vị khi cùng tham gia và tìm hiểu những hoạt động đón tết truyền thống của người Việt, như: lễ cúng tiễn ông Táo về trời, đón giao thừa, đi lễ chùa xin lộc đầu năm, gói bánh chưng, làm các món bánh mứt truyền thống… Phong tục mà tôi thích nhất trong ngày tết cổ truyền của đất nước các bạn chính là tục lì xì và xông nhà. Đây là tập tục giàu ý nghĩa văn hóa truyền thống, mang những điều may mắn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà”.
Kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Huế trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2012, Huế đón hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan. Trong đó, di tích Huế đón 2 triệu lượt khách với phần lớn là du khách quốc tế. Dịp tết cổ truyền Quý Tỵ 2013, Huế lại thu hút thêm hàng ngàn du khách quốc tế đến ăn tết.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đã chọn Huế làm điểm đến dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Từ ngày 9 đến 12-2 (tức từ 30 đến mùng 3 Tết âm lịch), khách đặt phòng lưu trú tại các khách sạn có sao đến giờ đã đạt 65% - 70% công suất buồng phòng (tăng 15% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012).
Các khách sạn đều tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, phục vụ ẩm thực, các tour du lịch tham quan di tích cố đô Huế trong các ngày tết. Nhiều khách sạn còn tổ chức tiệc đón giao thừa, dịch vụ ẩm thực mang đậm hương vị Huế với các món đặc trưng tết như bánh tét, bánh chưng, dưa món, mứt gừng trong thực đơn các bữa ăn của khách…
Cùng với hương xưa làng cổ ở chợ quê Gia Lạc, về cố đô Huế những ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn và đắm mình cùng “Hồn quê đất Việt” thấp thoáng trong các lễ hội ngày tết như: Lễ hội Đền Huyền Trân, Tết Nguyên tiêu, Lễ hội đu tiên; Lễ hội cầu ngư, vật làng Sinh và làng Thủ Lệ…
Văn Thắng