(SGGPO).- Sáng 6-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt Vietinbank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân đã khai mạc. Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đuợc dư luận rất quan tâm.
Đúng 8 giờ 30 phút sáng, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa. Trừ các bị cáo, nguyên đơn dân sự và các luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đuợc ngồi trong phòng xử án, những người còn lại theo dõi phiên tòa qua 2 màn hình ti vi đuợc đặt bên ngoài phòng xử.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank, chi nhánh TPHCM) đã vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, bị cáo Huyền Như mất khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng một lệnh nên từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, bị cáo Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM để huy động tiền.
Nhằm thực hiện được mục đích của mình, bị cáo Như thuê làm giả 8 con dấu đứng tên các cơ quan, đơn vị: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty cổ phần Đức Minh Quang, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank - Berjaya.
Sau đó, bị cáo Như làm giả tài liệu (hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, hồ sơ mở tài khoản, lệnh chi, lệnh chuyển tiền, hợp đồng tiền gửi) của hai ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để chuyển tiền của nhiều ngân hàng, đơn vị, cá nhân vào tài khoản Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải do Như thành lập hoặc chuyển cho những tổ chức, cá nhân Như cần trả nợ.
Bằng thủ đoạn này, Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH Zen Plaza, Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TPHCM, ông Phạm Anh Huấn, bà Giã Thị Mai Hiên (ngụ quận Bình Thạnh), bà Lê Thị Kim Tuyến.
Số tiền chiếm đoạt được bị cáo Như dùng để trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng tiền gửi cho 9 cá nhân, trả nợ gốc và nợ lãi trong, ngoài hợp đồng tiền gửi cho 4 công ty, chi tiêu cá nhân...
Với những hành vi trên, Huỳnh Thị Huyền Như bị xét xử về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tham gia giúp sức cho Như huy động vốn rồi chiếm đoạt tiền, còn có nhiều cá nhân khác bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Huỳnh Thị Huyền Như thực hiện trót lọt tội phạm do có phần giúp sức của nhiều cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; một số đối tượng do vụ lợi mà cố ý làm trái quy định của pháp luật tại một số ngân hàng và công ty với các hành vi chỉ đạo cho vay, đề xuất cho vay nhưng không có mặt khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; ký phê duyệt, xác nhận, làm thủ tục giải ngân đối với những hồ sơ tín dụng để cho vay khi hồ sơ chưa có chữ ký của khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; thực hiện lệnh chi không có mặt, không có chữ ký của chủ tài khoản; chỉ đạo, đề xuất phê duyệt và lập hồ sơ mở tài khoản mà không có mặt người mở tài khoản để ký chữ ký mẫu theo đúng quy định. Những người này cũng phải ra đứng trước vành móng ngựa chung với Huỳnh Thị Huyền Như.
Kết quả điều tra cũng xác định liên quan trong vụ án này có sự vi phạm pháp luật của nhiều cá nhân tại 4 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Hàng hải, Ngân hàng Navibank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng ACB. Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 người là lãnh đạo Ngân hàng ACB về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", đã được tách ra xử lý trong vụ án Nguyễn Đức Kiên. Các đối tượng còn lại đang được xem xét để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đến thời điểm khai mạc phiên tòa, đại diện của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TPHCM chưa có mặt tại phiên tòa. Hiện phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần kiểm tra lý lịch các bị cáo. Sau đó, đại diện Viện KSND TPHCM sẽ thừa uỷ quyền của Viện KSND tối cao công bố cáo trạng.
ÁI CHÂN
| |
|
>> Xét xử sơ thẩm vụ chiếm đoạt 120 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank Tân Bình