Gần đây, do một số doanh nghiệp ồ ạt đưa phương tiện, máy móc vào khoét chân núi khai thác đá đã biến nhiều khu vực dưới chân quần thể di tích lịch sử văn hóa – danh thắng quốc gia chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thành những ao hồ, hang hốc, vực đá sâu thẳm, khổng lồ gây mất mỹ quan và đe dọa an toàn tính mạng của du khách.
Khổ với khai thác đá
Chúng tôi quay trở lại di tích chùa Hương Tích và thật sự lo lắng trước thực trạng cấp phép khai thác đá ồ ạt ngay dưới chân chùa. Hình ảnh quần thể di tích - danh thắng nổi tiếng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, nơi chốn bồng lai tiên cảnh với suối reo, thông hát trong bãng lãng mây vờn, sương khói trập trùng, chốn trang nghiêm, linh thiêng nay càng trở nên nhếch nhác, xấu xí đi rất nhiều so với trước đây. Đi dọc chân núi để lên cabin cáp treo, du khách luôn bị tra tấn, giật mình bởi tiếng rền vang của mìn phá đá, tiếng máy ngoặm xúc, máy khoan, xay đá, tiếng xe ben vận chuyển đá nối dài. Cả một vùng chân chùa bị bao trùm bụi đá.
Ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng ban quản lý, thở dài ngán ngẩm, cho biết: “Việc cấp phép mỏ đá này là đồng nghĩa với phá di tích. Đây là khu di tích du lịch tâm linh, nhưng hàng ngày việc khai thác đá hoạt động gây tiếng ồn, tiếng rung do nổ mìn khiến tâm lý của dân và du khách rất bất an. Bụi đá bay mù mịt bám chặt vào xe, nhà cửa… Đã nhiều lần ban quản lý đề nghị lên huyện, lên tỉnh nhờ can thiệp ngừng cấp phép khai thác mỏ đá này để bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào vào cuộc giải quyết dứt điểm. Ban quản lý đành chịu bất lực”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị đang trực tiếp khai thác đá dưới chân di tích chùa Hương Tích là mỏ đá An Tín. Từ tháng 1-2012 chính thức đưa vào khai thác, chủ yếu là khai thác đá xây dựng với công suất 49.000m³/năm.
Bà Nguyễn Thị Lý (67 tuổi, người dân xã Thiên Lộc) bức xúc: “Không biết nhà nước cấp phép như thế nào, nhưng từ lúc mỏ đá An Tín về đây khai thác. Ngày qua ngày, tiếng ồn, rung lắc do ảnh hưởng tôi nổ mìn phá đá, ô nhiễm bụi đá, đường sá bị ô tô cày phá hư hỏng hết, càng khiến cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở đây phải chịu cảnh khổ cực lắm. Biết đến khi mô mới thoát cảnh này được…”.
Phải chờ đến năm 2014?
Khi chúng tôi về tìm hiểu hoạt động của mỏ đá dưới chân chùa Hương Tích, hầu hết người dân địa phương và Ban quản lý chùa Hương Tích đều rất bức xúc, không hiểu vì sao ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh lại cấp phép để cho doanh nghiệp vào hoạt động khai thác đá hủy hoại di tích danh thắng cấp quốc gia như vậy?
Trước đó, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khẳng định, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho khai thác đá dọc Núi Hồng, đặc biệt là dưới chân di tích chùa Hương Tích thật sự làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp sinh thái và trực tiếp đe dọa nguy cơ mất an toàn cho du khách, ô nhiễm môi trường di tích. Sở này cũng đã nhiều lần tham mưu cho tỉnh để có phương án bảo vệ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tiếp đó, ngày 16-3-2012 sau khi về kiểm tra thực trạng khai thác đá dưới chân chùa Hương Tích theo đơn phản ánh của nhân dân, Bộ VH-TT-DL đã có kết luận do Phó Chánh thanh tra Phạm Xuân Phúc ký nêu rõ: “Gần di tích có công trường đang hoạt động nổ mìn khai thác đá có nguy cơ phá vỡ cảnh quan di tích, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy hiểm cho du khách, ảnh hưởng đến tâm linh của chùa. Vì vậy, đề nghị Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Can Lộc khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trường khai thác đá đối với cảnh quan, môi trường, an toàn cho du khách. Trên cơ sở này, báo cáo UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động của mỏ đá trên”…
Trao đổi với với chúng tôi về vấn đề đến bao giờ có thể chấm dứt hoàn toàn việc khai thác đá xâm phạm di tích tại chùa Hương Tích, một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các quy định về đóng cửa mỏ đá phải chờ đến năm 2014 mới được giải quyết ổn thỏa. Hiện tại, doanh nghiệp khai thác đá đang tận dụng thời gian… Như vậy, từ nay đến 2014, sẽ có thêm rất nhiều diện tích tại khu vực chân di tích chùa Hương Tích bị “xẻ thịt” không thương tiếc với khối lượng đá khai thác khổng lồ. Còn người dân địa phương vẫn phải chịu sống chung với bụi đá.
| |
DƯƠNG QUANG