Khai thác than lậu tại Hòa Bình, đường dây 500KV “lâm nguy”!

Khai thác than lậu tại Hòa Bình, đường dây 500KV “lâm nguy”!

(SGGP-12G).- Ở xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có một mỏ than non đã bị bỏ quên nhiều năm qua và không một cơ quan chức năng nào quan tâm, quản lý. Giờ đây, mỏ than bị người dân trong khu vực khai thác một cách vô tội vạ. Việc khai thác này không những vi phạm Luật Khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường mà còn xâm hại đến sự an toàn của đường dây 500KV Bắc - Nam chạy qua đây.    

Buông lỏng quản lý

Từ năm 1982, nhiều người dân ở xã Thượng Cốc đã phát hiện có mỏ than trải rộng khoảng 20ha với trữ lượng lớn tập trung ở khu vực đồi Cổm và một phần thuộc địa phận xã Phúc Tuy bên cạnh. Cũng từ đó, những người dân trong khu vực đã tự ý khai thác than để sử dụng trong gia đình là chủ yếu. Song gần đây tình trạng khai thác than trái phép ở đồi Cổm phát triển  rầm rộ làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, làm mất an ninh trật tự và an toàn lao động. Bằng chứng là đến nay đã có gần 10 người chết trong khi khai thác than.

Các bãi than thổ phỉ đã “ăn” nham nhở các quả đồi ở xã Thượng Cốc (Lạc Sơn-Hòa Bình), nơi đường dây 500KV đi qua, có nguy cơ làm sập, sạt lở đồi

Các bãi than thổ phỉ đã “ăn” nham nhở các quả đồi ở xã Thượng Cốc (Lạc Sơn-Hòa Bình), nơi đường dây 500KV đi qua, có nguy cơ làm sập, sạt lở đồi

Để khắc phục tình trạng này, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 38/QĐ-UBND ngày 1-4-2008 cho phép Công ty TNHH Cơ khí Lâm Minh tổ chức khai thác than để có điều kiện quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và tỉnh có thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, vì diện tích đất rừng ở đây đã được cấp cho các hộ dân từ trước nên dân đặt ra điều kiện muốn khai thác than thì phải trả tiền đền bù rất cao, vì vậy Công ty TNHH Cơ khí Lâm Minh không đáp ứng được. Trong khi đó, tình trạng khai thác than trái phép vẫn tiếp diễn trong sự buông xuôi của các cấp chính quyền ở Hòa Bình.

Hậu quả khôn lường

Từ đầu tháng 3-2009 đến nay, khi dư luận lên tiếng về tình trạng khai thác than tràn lan, ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đường dây 500KV Bắc - Nam thì các cấp chính quyền cùng các ngành chức năng ở Hòa Bình mới tổ chức kiểm tra, bàn biện pháp xử lý.

Báo cáo của Sở TN-MT Hòa Bình nêu rõ: Hiện tại trên địa bàn xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc) và hai xã Thượng Cốc, Phúc Tuy (huyện Lạc Sơn) có tuyến đường dây 500KV Bắc - Nam đi qua có số hiệu cột từ 97 đến 100 (tạm gọi là tuyến đường cũ) đồng thời có tuyến đường dây 500KV từ Nho Quan đi Hòa Bình - Sơn La (tuyến mới), có số hiệu cột là 61, 62 và 63.

Tuyến mới này chạy song song với tuyến cũ, đang thi công, hiện mới đổ xong các móng cột. Tuy nhiên, việc khai thác than trái phép có ảnh hưởng đến tuyến mới là chính. Cụ thể, trên địa bàn hai xóm Khặng, Cổm của xã Thượng Cốc hiện có 14 lò khai thác than trái phép và xã Phúc Tuy có 2 lò, chủ yếu do người dân địa phương đào thủ công, có sử dụng vật liệu nổ.

Các đường lò đang khai thác bên xã Thượng Cốc có thể xuyên qua đỉnh đồi đi sâu vào địa phận xã Phúc Tuy và có khả năng  ảnh hưởng đến sự an toàn của hai móng cột 62, 63.

Qua kiểm tra thực địa đã phát hiện hiện tượng lún sụt đất đá, biến dạng địa hình trên đỉnh và sườn đồi cách móng cột 63 khoảng 100m về phía Bắc và Đông Bắc.

Còn ở xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc), hiện Công ty TNHH một thành viên kinh doanh than Hòa Bình đang tổ chức khai thác than (được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép khai thác số 52/QĐ-UBND ngày 23-5-2008).

Qua kiểm tra cho thấy, đường lò chính dài khoảng 200m, khoảng cách từ cửa lò đến chân móng cột số 61 là 470m và nếu tiếp tục đào lò về phía Đông Bắc thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chân cột điện 500KV. Mặt khác, do không xác định đường đi của các hầm lò đã và đang khai thác nên chưa thể xác định được mức độ ảnh hưởng đến tuyến cũ. 

Qua điều tra của chúng tôi thì hiện có 16 đường lò do 16 chủ lò đang khai thác và nhiều hào, hố, lò đã khai thác hết than. Mỗi đường lò thường có độ dài 300- 400m, rộng từ 1,2m trở lên, cao 1,5 -1,7m, khai thác trong thời gian khoảng 5-6 tháng. Có thể nói, khu vực đồi Cổm đã bị đào “rỗng” nhưng lại đang “cõng” trên mình một công trình trọng điểm quốc gia!

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng ở Trung ương và tỉnh Hòa Bình sớm vào cuộc để quản lý và kiên quyết dẹp bỏ tình trạng khai thác than tại khu vực trên nhằm khẩn trương bảo vệ công trình truyền tải dòng điện 500KV Bắc - Nam, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Ông Bùi Văn Hành, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, khẳng định: Chính quyền huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân không khai thác than thổ phỉ, gây nguy hại đến công trình của quốc gia nhưng do cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn khó khăn nên chính quyền… thấy “thương” nên không mạnh tay dẹp bỏ ngay từ đầu, dẫn tới tình trạng khai thác than trái phép tràn lan trên địa bàn như hiện nay.

VIỆT LÂM - PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục