Khẩn trương sưu tầm các giá trị văn hóa 5 dân tộc thiểu số đang bị mai một

Ngày 9-2, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị - hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người, gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu để góp ý những giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

(SGGP).- Ngày 9-2, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị - hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người, gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu để góp ý những giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum, nơi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn; có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống, trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hóa của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hóa.  

Tại hội nghị, các già làng, trưởng bản đại diện cho 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính đồng bào ông Pờ Chà Nga, đại diện cho bà con dân tộc Si La đến từ Điện Biên đặt câu hỏi: làm thế nào để trẻ em dân tộc họ sinh ra nhớ tiếng mẹ đẻ, biết dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc khi họ mở rộng giao lưu tiếp xúc với các dân tộc khác trên địa bàn? Có già bản còn nêu ý kiến về việc xây dựng nhà văn hóa tuy đẹp, khang trang nhưng lại không phù hợp với văn hóa của họ nên chẳng ai muốn vào? Hay như đại biểu dân tộc Ơ Đu (Nghệ An) cho biết, có những em học sinh dân tộc này cố gắng học tốt nghiệp trường cao đẳng nhưng vẫn chưa có việc làm...

Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VH-TT-DL cho rằng muốn giữ được bản sắc văn hóa phải kết hợp giữa gia đình và xã hội, gia đình phải truyền dạy cho con cháu mình truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết, điều này không ai có thể làm thay được. Tuy nhiên, GS Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học lại cho rằng, bên cạnh việc tham gia trực tiếp của cộng đồng thì các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa của họ một cách kỹ lưỡng, đề xuất các thứ tự ưu tiên bảo tồn phù hợp với từng dân tộc.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn, thời gian qua các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có cảnh báo về nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống của 5 dân tộc này; đề nghị Vụ Văn hóa Dân tộc khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá sưu tầm, phát triển, liệt kê danh mục các giá trị văn hóa đang bị mai một hoặc mất đi.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục