Việc lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác nhận đội bóng tỉnh nhà sẽ không dự giải V-League cho thấy sức “chịu đựng” của địa phương đối với bóng đá đã đến giới hạn, sau rất nhiều năm phải chi một phần ngân sách không nhỏ để duy trì đội bóng chơi ở đỉnh cao. Vị lãnh đạo này thừa nhận: “Không phải Đồng Tháp không muốn đá V-League mà là không thể”.
Trường hợp của Đồng Tháp không khác gì Kiên Giang, An Giang, Bình Định ở những mùa giải trước - những địa phương kiên quyết không sử dụng ngân sách để “nuôi” bóng đá đỉnh cao, chấp nhận xóa sổ đội đang đá tại V-League để quay về với mục tiêu đào tạo trẻ và phát triển phong trào. Kinh phí chi cho một đội chuyên nghiệp để đá V-League lên đến 40 tỷ đồng/năm, nếu không có doanh nghiệp tham gia tài trợ thì không có ngân sách của địa phương nào có thể gồng gánh mãi được.
Thật ra, đây không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, số CLB đủ sức đứng trên đôi chân của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vì tìm cách xây dựng đội bóng từ đào tạo trẻ, thi đấu tích lũy kinh nghiệm dần dần trước khi đủ năng lực thi đấu tại V-League thì hiện không ít đội bóng vẫn làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu có tiền thì mua sắm và trả lương cầu thủ, không tiền thì dọa “bỏ giải”, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh địa phương cũng như khiến quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp trở nên manh mún, bị động từ mùa giải này sang mùa giải khác.
Ví dụ như Đồng Tháp, hơn 5 năm qua chỉ dựa vào nguồn tài trợ của Tập đoàn Cao su (chỉ hỗ trợ tiền, không tham gia quản lý CLB), hoàn toàn không tìm ra được những nguồn tài chính khác hoặc những nguồn thu từ việc thi đấu. Đến khi nhà tài trợ không rót tiền nữa, ngay lập tức quay về “xin” ngân sách địa phương hỗ trợ. Không có tiền, chỉ còn con đường phải xóa sổ đội bóng!
Câu hỏi đặt ra: Tại sao sự việc này đã được biết trước, cũng chẳng thiếu những bài học nhãn tiền, nhưng một đội bóng có truyền thống như Đồng Tháp cũng không thể tránh được kết cục đáng buồn như vậy? Câu trả lời nằm ở bản chất của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Hơn 10 năm qua, nguồn thu từ bóng đá vẫn là con số 0 tròn trĩnh, trong khi ngân sách đầu tư cho một mùa giải vẫn tăng đều theo đời sống xã hội. Những doanh nghiệp nội địa lặng lẽ rút lui vì hình ảnh của bóng đá Việt Nam ngày càng xấu đi trong mắt công chúng do bạo lực và tiêu cực.
Cả một nền bóng đá hoàn toàn không đủ sức làm ra tiền nhưng lại gây lãng phí lớn cho xã hội gần cả ngàn tỷ đồng mỗi năm để phục vụ cho công tác thi đấu. Cho nên đã đến lúc phải có những quyết định dũng cảm như trường hợp của Đồng Tháp để tránh lãng phí thêm nữa.
Tất nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn còn đó những điểm sáng như CLB HAGL sắp sử dụng lứa cầu thủ U.19 được đầu tư đào tạo suốt 7 năm qua ở Học viện HAGL - Arsenal JMG cho V-League 2015, hay các đội Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng vẫn được những doanh nghiệp rót tiền nhờ quảng bá tốt thương hiệu cho nhà tài trợ.
Rõ ràng, con đường duy nhất là bóng đá phải tự làm ra tiền nuôi sống mình thông qua thành tích, lối chơi và khả năng thu hút khán giả. Điều đáng tiếc là sau chừng ấy năm làm chuyên nghiệp, những điểm sáng như vậy quá ít, trong khi cứ mỗi mùa bóng trôi qua lại có thêm những cái tên lừng lẫy, có truyền thống lại phải chấp nhận xóa sổ.
VIỆT QUANG