Ngày 28-1 (mùng 6 Tết Nhâm Thìn), nhiều lễ hội xuân trên khắp cả nước đã diễn ra tưng bừng thu hút hàng chục vạn du khách gần xa. Nhiều nét văn hóa truyền thống được tôn vinh, phát huy. Bên cạnh đó còn không ít cảnh lộn xộn, chèo kéo khách tại các lễ hội.
Khai hội chùa Hương
Nối tiếp truyền thống từ nhiều năm trước, sáng mùng 6 tháng giêng, lễ khai hội chùa Hương năm 2012 được tổ chức tại sân trước Thiên Trù. Phần lễ trang nghiêm, thanh tịnh, theo nghi lễ Phật giáo với sự tham gia của hàng ngàn phật tử đến từ mọi miền đất nước.
Trước mùa lễ hội, Ban tổ chức đã lên phương án chuẩn bị rất kỹ lưỡng để người dân có thể thảnh thơi về nơi đất Phật. Song với số lượng khách hành hương đổ về trong ngày khai hội ngoài dự kiến đã khiến hiện tượng ách tắc cục bộ xảy ra ở nhiều điểm.
Mặc dù thời tiết buốt giá cùng với mưa phùn lất phất nhưng lượng du khách đổ về trẩy hội chùa Hương vẫn không ngừng tăng lên. Lượng du khách đi xe máy trẩy hội quá lớn cùng với những đoàn xe chở khách cỡ nhỏ và trung bình khiến nhiều đoạn đường gần suối Yến bị dồn ứ tắc nghẽn.
Ngay từ sáng sớm, các ngả đường dẫn về bến Đục đều ở trong tình trạng ùn tắc cục bộ. Đoàn dài ô tô lớn nhỏ từ nhiều tỉnh thành nối dài dọc suốt tuyến đường quốc lộ 21B, đường tỉnh lộ từ thị trấn Đại Nghĩa về Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) tạo thành dòng suối ánh sáng lấp lánh trong sương sớm mờ ảo.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội), Trưởng ban tổ chức Phục vụ khách tham quan Lễ hội - Du lịch chùa Hương năm 2012 cho biết: Từ mùng 1 Tết đến nay đã có hơn 16 vạn du khách trẩy hội chùa Hương; trong đó riêng trong ngày khai hội hôm qua ước tính có hơn 4 vạn du khách. Năm nay tại khu vực này có khoảng 320 hàng quán gồm: hàng ăn, hàng trọ, hàng lưu niệm và tạp phẩm… đã được UBND huyện Mỹ Đức quy hoạch. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng.
Tuy nhiên, do ngày nghỉ lễ kéo dài nên lượng khách đi lễ vãng cảnh chùa vượt quá mức tưởng tượng khiến cảnh ách tắc cục bộ xảy ra ở nhiều khu vực đặc biệt. Sau giờ khai hội, ga cáp treo vốn đã luôn là điểm nóng lại tiếp tục phải hứng chịu cảnh “người chen người”. Trong ngày này, hiện tượng cò vé cáp treo không còn thấy xuất hiện lộ liễu như năm trước. Song nhiều người đã phải đợi hàng giờ dưới làn mưa bụi và cái rét như cắt da cắt thịt của vùng núi để có được một chỗ lên ca-bin.
Hiện tượng quá tải không chỉ ở ga cáp treo mà ngay kéo dài từ bến Yến, bến Đục, Thiên Trù và điểm cuối cùng là động Hương Tích. Nhiều người may mắn hơn vượt qua được cửa ải ga cáp treo nhưng với dòng người như nêm cối trước cửa động, nhiều người đành chọn phương án bái vọng từ xa vì không thể tìm được cách len vào trong động trong buổi sáng.
Một điều đáng mừng, mùa lễ hội năm nay, tình trạng các “phe đò” đi xe máy chèo kéo du khách đã giảm so với các mùa lễ hội trước. Nhiều du khách đi xe máy cảm thấy “nhẹ” hẳn người khi không còn phải liên tục từ chối những tiếng chào mời, đeo bám khó chịu và gây nguy hiểm khi điều khiển phương tiện. Ngày khai hội năm nay đã không còn cảnh người ăn xin dọc đường cũng như nơi sân chùa…
Cũng theo ông Hậu, nhiều khách quốc tế trẩy hội chùa Hương luôn phàn nàn về tình trạng xả rác bừa bãi. Năm nay, UBND huyện Mỹ Đức đưa vào thực hiện chế tài phạt hành chính tất cả các trường hợp để rác không đúng nơi quy định từ 100.000 - 300.000 đồng.
Song cũng do lượng du khách đổ về quá đông khiến nhiều tư thương thi nhau nâng giá. Điển hình nhất là dịch vụ ăn uống. Anh Nguyễn Minh Giang, Đống Đa, Hà Nội than thở, buổi sáng vào đây vừa ăn phở tại khu vực sân trước Thiên Trù mới chỉ 40.000 đồng nhưng khi quay lại vào 1 giờ chiều cả nhà anh 4 người đã phải trả 200.000 đồng cho 4 bát phở tương tự.
Nhiều dịch vụ khác như xe ôm, sắp lễ, đổi tiền lẻ cũng được đẩy lên theo giờ. Hơn thế, năm nay, cùng với việc tăng giá vé đò, vé thắng cảnh, BTC đã thông báo sẽ cam kết không còn vấn nạn trả thêm tiền cho chủ đò nhưng nhiều du khách vẫn gặp cảnh dở khóc dở cười khi chủ đò vẫn tái diễn việc “năn nỉ” xin tiền lộc. Cùng đó, tình trạng bày bán thịt động vật trước khu vực sân Thiên Trù khiến nhiều du khách vẫn cảm thấy chạnh lòng khi về nơi đất Phật.
Khắp nơi trẩy hội
|
Ngày mùng 6 Tết, khu du lịch Phật Bà Nam Hải Bạc Liêu đông bất thường bởi hàng ngàn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước về đây cúng viếng. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật ở Bạc Liêu.
Tượng Phật Bà Nam Hải được xây dựng từ năm 1973, đứng sừng sững bên bờ biển Đông (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), mặt xoay ra biển. Tượng đài tuy giản đơn nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người.
Tuy nhiên, lượng du khách quá đông, nạn giật dọc, móc túi, rạch giỏ xách, chen lấn, kẹt xe, tranh giành khách để bán nhang, hoa quả và xả rác tứ tung... khiến nhiều du khách ngao ngán. Bên trong khu tượng Phật Bà Nam Hải, nhang đèn, hoa quả và đủ loại chất thải nằm ngổn ngang. Hàng trăm người do không thể chen lấn vào khu vực tượng Phật Bà Nam Hải nên đã bày mâm bàn, trái cây, hoa... rồi đốt nhang cắm khắp nơi, gây cảnh bát nháo nơi thờ cúng tôn nghiêm.
Ngày 28-1, sới vật làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã tưng bừng khai hội vật truyền thống đầu năm. Hội vật làng Thủ Lễ có đông đảo các đô vật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia tranh tài. Sau phần nghi lễ khá thành kính và tôn nghiêm trong nội điện đình làng Thủ Lễ, hội vật được mở màn bằng hai đô vật cao niên biểu diễn những chước vật đẹp mắt, sau đó là phần tham gia tranh tài của các đô vật ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên.
| |
|