Thời điểm hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã đưa ra thông tin tuyển dụng nhiều vị trí, gồm giám sát tín dụng, kiểm soát viên, giám sát pháp chế… Mục tiêu tuyển dụng nhằm cảnh báo, phát hiện sớm các rủi ro để giúp DN giảm bớt thiệt hại, đồng thời có những hiến kế thích hợp hỗ trợ DN phát triển.
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ mặc dù đã được hướng nghiệp, tìm hiểu thông tin nhưng vẫn mặc định rằng, học luật ra trường sẽ làm thẩm phán, luật sư… mà không biết các bạn có thể phục vụ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nữa. Chính các lãnh đạo DN tâm tư rằng, trong “cơn lốc” hội nhập mạnh mẽ, DN phải quyết tâm trụ vững bằng cách không ngừng học hỏi; đồng thời, có đội ngũ pháp chế tinh thông để có thể sử dụng ngay khi cấp thiết. Nhân viên pháp chế trong DN được ví giống như “của để dành” phòng khi có biến, mặc dù không thể phủ nhận vai trò hàng ngày của đội ngũ này.
Thế nhưng, theo nhận định của một hiệu trưởng trường đại học ở TPHCM, nhân lực ngành luật hiện vừa thiếu vừa yếu. Trong những phiên tòa liên quan đến yếu tố nước ngoài, đội ngũ luật sư nước ta sử dụng thành thạo ngoại ngữ không nhiều. Do vậy, dù xã hội có “khát” nhân lực ngành luật thì các trường cũng không chắc đáp ứng đủ. Câu hỏi đặt ra chính là việc đẩy mạnh kết nối, hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng giữa DN với các trường đại học được thực hiện đến đâu? Tại sao cứ mãi loay hoay với câu chuyện đào tạo ra “sản phẩm” nhưng chưa hẳn DN có thể dùng được?
Tiềm năng ngành nghề này khá lớn. Sinh viên ra trường không bị giới hạn làm việc tại các DN trong nước mà cơ hội rộng mở, có khả năng làm việc cho những DN nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam. Cơ hội tuy sẵn có nhưng còn tùy thuộc vào khả năng nắm bắt, cũng như sự kiên trì, nỗ lực của từng người. Ngành này sẽ “khát” nhân lực khi DN Việt hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nảy sinh các tranh chấp thương mại nhiều hơn, mà thực tế đã được chứng minh khi các trung tâm trọng tài thương mại nước ta giải quyết số vụ tranh chấp gia tăng mỗi năm.