Khát vọng sống trong nhạc Hoàng Việt

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, tôi nhập ngũ vào Tổ quân nhạc khu 8 hoạt động ở Đồng Tháp Mười, cũng là lúc tôi được gặp và làm thân với anh Bảy - Nhạc sĩ Hoàng Việt. Khi đó, anh đã là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc Tiếng còi trong sương đêm, Lá xanh, Sở thượng giang, Mong Bác Hồ vào Nam… trong khi tôi mới chỉ là một thiếu niên đánh đàn mandoline, chưa biết sáng tác là gì. Cũng như những người anh kháng chiến khác, anh Bảy rất quan tâm đến tôi và thường thân ái gọi tôi là bé Nam.

1. Có những tác phẩm của anh Bảy mà ngày nay ít ai biết đến một phần là do chiến tranh nên không phổ biến rộng rãi trong công chúng như Trường ca - Những anh trai làng, tả cảnh quân dân Đồng Tháp Mười ra sức đắp cảng, phá đường, đào kênh để ngăn chặn quân thù xâm chiếm vùng căn cứ kháng chiến. Ca khúc Bắn máy bay tại Đốc Binh Kiều ra đời khi lần đầu tiên bộ đội ta bắn rơi máy bay chiến đấu của Pháp ở Đồng Tháp Mười. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi đã biểu diễn ca khúc này của anh Bảy với lời ca sinh động: “Một buổi chiều độ 4 giờ trời còn nắng, ba bốn chiếc phi cơ bay đến Đốc Binh Kiều, sau những hồi từ trên cao nhào xuống bắn, súng bên ta chông lên nổ ngay đầu phi cơ…”. Ca khúc Đêm mưa dầm, anh đã tả rõ từng bước chân của đoàn quân giải phóng đi trong đêm mưa dầm, bầu trời đêm không một ánh trăng, một ánh sao qua ca từ tha thiết, réo rắt lòng người chiến sĩ: “Đêm nay mưa dầm trên trời không ánh sao, không ánh trăng mà đoàn quân vẫn đi miệt mài trong đêm…”.

Khi anh Bảy sang Bungari học nhạc, anh vẫn thường xuyên viết thư động viên tôi bằng mọi cách phải vượt qua khó khăn của bệnh tật để đến với con đường âm nhạc một cách chuyên nghiệp. Lúc ở Bungari về, thời gian chờ vào Nam, anh Bảy đã gọi tôi đến sống cùng anh mấy tháng liền tại số nhà 51 đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngày tập trung chuẩn bị lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, anh Bảy tặng tôi chiếc áo măngtô, chiếc áo đã cùng anh gắn bó bao tháng ngày ở Bungari. Anh bảo: “Anh sẽ về Nam, em giữ chiếc áo này để mặc ấm mỗi khi giá rét ở miền Bắc”. Anh Bảy còn lục tìm dưới đáy balô và trao cho tôi chiếc khóa dụng cụ lên dây đàn piano. Anh dặn dò phải giữ lấy để sau này phục vụ nghề nghiệp…

2. Theo đồng đội kể lại, khi về Nam, những ngày tháng hoạt động cách mạng ở trong rừng, anh Bảy luôn nhắc đến bé Nam của mình. Và anh còn bảo với mọi người rằng, anh luôn đặt niềm tin, hy vọng sự nghiệp sáng tác của tôi sau này. Tiếc thay, lúc tôi đang còn miệt mài trên ghế nhà trường ở Liên Xô thì anh Bảy đã hy sinh tại quê nhà. Có lẽ, anh Bảy luôn gửi gắm và thường xuyên nhắc nhở bé Nam của mình với nhiều người. Cho nên gần đây khi gặp nhạc sĩ Huy Thục ở Hà Nội, anh đã bảo với tôi: “Mình còn giữ nhiều thư của Hoàng Việt gửi từ Bungari về. Trong thư, lúc nào Hoàng Việt cũng nhắc nhở bọn mình phải quan tâm chăm sóc và động viên bé Nam…”.

Năm 1994, nhân dịp Tổng cục Chính trị đề nghị viết nhạc giao hưởng về đề tài cách mạng miền Nam, tôi đã viết bản thơ giao hưởng mang tên Tưởng nhớ với lời đề tặng: “Kính tặng nhạc sĩ Hoàng Việt, người nhạc sĩ tài hoa, người chiến sĩ trung kiên đã hy sinh vì độc lập tự do cho quê hương đất nước”. Tác phẩm này tôi đã sử dụng chất liệu từ ca khúc Nhạc rừng.

Anh Bảy chính là một trong những nhạc sĩ đã tích cực góp phần phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp ở nước ta. Đặc biệt dòng nhạc mà công chúng thường gọi là âm nhạc bác học, âm nhạc hàn lâm thì anh chính là người nhạc sĩ có công đặt viên gạch đầu tiên.

Riêng về ca khúc, phần nhiều tác phẩm của anh Bảy mang đậm chất trữ tình, sâu lắng, lãng mạn, mượt mà nhưng vẫn toát lên tính chiến đấu, khát vọng của một bài ca cách mạng. Còn ca từ trong các ca khúc của anh thường vang lên chất khỏe khoắn, trong sáng và hồn nhiên. Chính vì vậy, người nghe nhạc thường tìm thấy tinh thần chiến đấu, sự dũng cảm hy sinh bao giờ cũng được anh Bảy đề cao trong mỗi tác phẩm. Những ca khúc của anh, dù anh sáng tác trong nhiều thời kỳ ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng người nghe bao giờ cũng cảm nhận được một ý chí quyết chiến quyết thắng, khẳng định tinh thần thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong thể loại ca khúc, tác phẩm của anh Bảy rất đồ sộ về số lượng và phong phú về nội dung. Những bài hát như: Lá xanh, Nhạc rừng, Lên ngàn, Tình ca… đó là những tác phẩm mang đậm chất liệu dân gian miền Nam, giai điệu đơn giản, dễ nhớ và hấp dẫn. Riêng bài Tình ca, anh viết năm 1957 là một tuyệt tác, bất hủ điển hình, tiêu biểu cho thể loại bài ca nghệ thuật. Nó mang giai điệu với tình cảm tha thiết khi nói về quê hương miền Nam, chứa đựng kịch tính sâu sắc như một lời ca, như một bản hiệu triệu toàn dân chiến đấu để thống nhất đất nước.

Anh Bảy là một tài năng hiếm có, cả đời cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp âm nhạc. Tôi rất vui khi anh Bảy Hoàng Việt vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

GS - TS - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Tin cùng chuyên mục