Từ xã miền núi Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi cùng với già làng Pả Thanh (Trưởng thôn Khe Hó) và già làng Pả So (Bí thư Đảng ủy thôn Khe Hó) bắt đầu hành trình đi bộ băng rừng vào Khe Hó, nơi được xem là điểm đầu con đường Trường Sơn huyền thoại.
Với kinh nghiệm gần 70 năm đi rừng, già làng Pả Thanh mang theo cây rựa để phát cây dọn lối đi. Miền Tây huyện Vĩnh Linh trời đang nóng như thiêu đốt, vậy nhưng đêm trước trời bất ngờ đổ mưa. Đất đỏ bazan ngấm nước khiến con đường vào Khe Hó nhão nhoẹt. Trên đầu nắng nóng, dưới chân trơn trượt khiến không ít người té ngã. Thi thoảng có người trong đoàn hét toáng lên vì những con vắt cứ luồn sâu trong người mà cắn. Hơn 3 giờ băng qua nhiều ngọn đồi cao, nhiều con suối và men theo con đường mà người dân địa phương mở để vào trồng rừng, chúng tôi đến được điểm đầu của con đường lịch sử.
Khe Hó hiện ra trước mắt chúng tôi là một khe nước nhỏ trong suốt, róc rách chảy. Nếu không gắn liền với điểm đầu của đường Trường Sơn huyền thoại, có lẽ Khe Hó cũng chỉ là một khe nước chẳng có gì đặc biệt. Khe Hó bắt nguồn từ dãy Trường Sơn ở phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chảy qua một thung lũng hẹp nằm dưới chân dãy núi Động Nóc, Động Châu và Thù Lù. Qua khỏi dốc Rùa, già làng Pả Thanh chỉ vào một lùm cây có lối mòn hẹp, chằng chịt dây rừng, bảo rằng đây là địa điểm ngày xưa Đoàn 559 đóng lán trại, bắt đầu hành trình mở đường Trường Sơn.
Theo già làng Pả Thanh, ngày xưa đây là vùng rừng già rậm rạp, với nhiều núi cao hiểm trở, chỉ có duy nhất bản người Vân Kiều sinh sống, người dân lấy tên Khe Hó đặt thành tên của bản làng mình.
Với địa hình phức tạp có nguồn nước mát, Khe Hó là một địa điểm tập kết thuận lợi. Già Pả Thanh cho hay, vào thời điểm đó khu vực này liên tục bị địch pháo kích, máy bay ném bom khiến từng mảng rừng cháy sém. Khi con đường hình thành, bom đạn địch lại tiếp tục cày xới, nhiều thanh niên của thôn Khe Hó gia nhập dân quân, tham gia sửa đường, giúp bộ đội vận chuyển lương thực, đạn dược cho trận tuyến ở miền Nam. Dân bản Khe Hó ngày xưa nhà nào cũng đào hầm hạ thổ (bằng hình vuông) để nuôi giấu bộ đội.
Già làng Pả So, người từng tham gia dân quân địa phương năm 1958 - 1960, vẫn còn nhớ như in những ngày đầu Đoàn 559 tập trung về Khe Hó mở đường. Hàng trăm người bí mật đóng lán trại trong khu rừng. Chỉ vào lùm cây rừng còn sót lại, già làng Pả So nói: “Đây là điểm Đoàn 559 đặt căng tin, chỉ cách nơi ở của người dân bản Khe Hó ngày xưa chừng 1km về phía Tây Bắc. Phía bên kia trước đây có 3 ngôi mộ của các chiến sĩ, nhưng đã lâu bị cây cối che lấp không còn thấy nữa. Đã hơn 50 năm rồi, những lối mòn ngày xưa cũng dần bị che khuất. Chỉ tiếc rằng, cho đến bây giờ chưa thấy ai dựng cột mốc hoặc cắm biển di tích gì cả”.
Hiện bản Khe Hó cũng không còn nằm nguyên chỗ cũ. Trong chiến tranh, người dân Khe Hó luôn bám đất, bám rừng tăng gia sản xuất nuôi bộ đội. Tuy nhiên, do tập tục sống “phát cốt đốt trỉa” nên người dân liên tục di chuyển đến vùng đất mới. Hơn nữa với địa hình vùng rừng núi khá hiểm trở, đi lại khó khăn, mỗi lần cần mua thứ gì hoặc đau ốm là phải lặn lội đi bộ đường rừng rất xa. Đến năm 1974, người dân Khe Hó chuyển ra tái định cư tại khu vực trung tâm xã Vĩnh Hà, nằm bên đường Hồ Chí Minh ngày nay, cách chỗ cũ hơn 12km. Hiện bản Khe Hó có 40 hộ dân với trên 200 nhân khẩu. Những năm gần đây đời sống của bà con dần ổn định nhờ các dự án đa dạng hóa nông nghiệp như trồng cao su, trồng rừng nguyên liệu. Hệ thống điện đường, nước sạch trong thôn đều đảm bảo.
Phan Lê