Giải Nobel Y học cho nghiên cứu tế bào gốc đã về tay John Gurdon (Viện Gurdon Cambridge - Anh) và Shinya Yamanaka (Đại học Tokyo - Nhật). Hai ông chênh nhau gần 30 tuổi, ở hai lục địa nhưng có cùng một nghiên cứu. Điều tôi muốn nói ở đây là cả hai ông đều được theo đuổi ước mơ của mình.
Từ nhỏ ông Gurdon đã đam mê sinh học, bất chấp lời can ngăn của người lớn ông vẫn quyết định theo đuổi niềm đam mê của mình. Còn ông Shinya Yamanaka, lẽ ra có đủ điều kiện kế nghiệp công việc của gia đình là sản xuất linh kiện máy may, ông cũng kiên định theo đuổi đam mê của mình. Giờ đây, hai ông được tôn vinh với giải Nobel đầy danh giá. Nghiên cứu của hai ông sẽ là bước đột phá cho việc điều trị một số căn bệnh, trong đó có bệnh ung thư.
Hãy tưởng tượng cách đây vài chục năm, hai ông đi theo “lập trình” của gia đình, liệu nhân loại có được một công trình nghiên cứu tế bào gốc để Giải Nobel Y học năm 2012 được trao cho người xứng đáng sở hữu?
Nhìn lại việc định hướng của gia đình cho lớp trẻ vào đời ở nước ta, một bộ phận học sinh nơi các thành phố lớn được ba mẹ “chăm sóc” đến tận răng, kể cả lập trình sẵn phải vào trường mẫu giáo nào, rồi phải vào các trường điểm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… Không có sức vào thì “chạy chọt” ký sổ vàng. Đến khi thi đại học, thay vì cho con thi vào ngành đúng sở trường và niềm đam mê, cha mẹ lại buộc con thi vào những trường mà mình nghĩ là danh giá.
Sau khi con tốt nghiệp đại học, cha mẹ lại tìm cho con một chỗ “có ăn” để ổn định cuộc sống và dễ làm giàu, chứ không cần biết con mình có thực sự thích hợp hoặc có thể yêu thích ngành nghề đó không.
Đã nhiều năm làm nhà giáo, không ít lần tôi phải nghe học trò than bị ba mẹ ép thi vào ngành học mình không thích và không có sở trường. Có em thích và rất có năng khiếu văn nhưng lại bị ba mẹ bắt thi vào Đại học Kinh tế. Đặc biệt, có em rất thích trở thành giáo viên toán nhưng lại bị ba mẹ bắt thi vào Đại học Y Dược. Em đậu 2 trường: Đại học Sư phạm khoa Toán và Đại học Y Dược. Và rồi dù không thích nhưng em đã phải chọn Đại học Y Dược, vì mẹ em đòi tự tử nếu em chọn Đại học Sư phạm.
Cuối cùng, tuy học y, đủ sức học y nhưng em không có đam mê. Lúc nào em cũng như mang một gánh nặng trên vai. Và khi một người làm một công việc suốt đời họ không yêu thích, mọi người biết sẽ ra sao rồi. Một bi kịch cho chính họ và một mất mát cho xã hội.
Phụ huynh nào cũng muốn con cái học những nghề danh giá hoặc theo nghiệp gia đình. Nhưng nếu làm việc thiếu ngọn lửa đam mê, chắc chắn không ai thành công. Những Giải Nobel hàng năm đã cho thấy điều đó, đặc biệt Giải Nobel Y học năm nay minh chứng kết quả tuyệt vời khi một người được theo đuổi niềm đam mê và làm công việc mình yêu thích.
Nguyễn Ngọc Hà (Quận 3, TPHCM)