Khi hãng dược đón đầu đấu thầu

Liên tục leo thang
Khi hãng dược đón đầu đấu thầu

Những ngày qua, thị trường dược phẩm rục rịch một đợt tăng giá mới dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực “bình ổn”. Bên cạnh tình hình thời tiết khiến nhiều căn bệnh cuối năm bùng phát, các hãng dược phẩm đã đón đầu tăng giá cho “mùa” đấu thầu vào bệnh viện.

Người bệnh âu lo trước giá thuốc tăng. Ảnh: Tường Lâm

Người bệnh âu lo trước giá thuốc tăng. Ảnh: Tường Lâm

Liên tục leo thang

Ghé qua một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM hỏi mua thuốc Lincomycin (thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng), cô nhân viên báo giá 90.000 đồng/hộp. “Bữa trước mới mua chưa tới 80.000 đồng/hộp, sao nay tăng giá dữ vậy”, chúng tôi thắc mắc. Cô bán thuốc nhanh nhảu cho biết là đã tăng 2 tuần nay rồi chứ mới mẻ gì. Hóa ra, thuốc Lincomycin đã tăng giá tới 15% mà chúng tôi cứ ngỡ vẫn… bình ổn.

Đem tâm trạng bức xúc vì giá thuốc tăng cao, chúng tôi hỏi một chủ nhà thuốc M. cũng trên đường Hai Bà Trưng thì bà chủ nói: “Tăng vậy là ít đó, có loại tăng tới 20% nữa cơ, còn bình quân tăng 10% thì không kể hết”. Nói rồi, bà chủ đưa ra một hộp thuốc Merxilon dán nhãn giá là 77.000 đồng/hộp. “Tháng trước chỉ có 69.000 đồng/hộp thôi, nay tăng lên đã 12% còn gì”, chủ nhà thuốc M. ngán ngẩm và nói việc nhà thuốc tăng giá là chẳng đặng đừng bởi hãng dược cung ứng làm sao phải chịu vậy.

Dạo qua một loạt các nhà thuốc và chợ sỉ dược phẩm Tô Hiến Thành, Trung tâm dược Codupha (quận 10), ghi nhận cho thấy nhiều mặt hàng thuốc đã tăng giá, cả thuốc nội lẫn ngoại. Theo một công ty phân phối dược phẩm thì tập trung tăng giá chủ yếu vẫn là thuốc kháng sinh, huyết áp, tim mạch và vitamin các loại. Trong đó, nhiều thuốc chứa kháng sinh được cho biết tăng giá nhiều nhất, cụ thể như thuốc trị cảm cúm Decolgen Fort từ 71.400 đồng/hộp tăng lên 81.000 đồng/hộp (tăng 13%); Flagyl từ 9.000 đồng/hộp tăng lên 9.900 đồng/hộp (tăng 10%)…

Đáng chú ý là cùng lúc một loạt thuốc chứa kháng sinh Augmentin tăng giá. Còn một số công ty dược cho biết kể từ khi Bộ Y tế dừng nhập khẩu nguyên liệu Pseudopherine (thành phần sản xuất thuốc cảm cúm) thì các loại thuốc cảm cúm tha hồ tăng giá, nhất là các loại thuốc nhập ngoại, liên doanh. Còn các công ty trong nước thì bí nguyên liệu nên đành… bó tay.

Khảo sát thị trường dược cả 3 khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam trong tháng 11 vừa qua cho thấy hàng loạt loại thuốc tăng giá. Trong đó, nhiều loại thuốc nội tăng với mức trung bình 5,5%, còn thuốc ngoại nhập tăng mức trung bình tới 7,8%.

Điều đáng nói, theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, có loại thuốc qua khảo sát cho thấy tăng quá cao hoặc liên tục tăng. Chẳng hạn, vitamin B1 tăng từ 19.000 đồng/lọ lên 22.500 đồng/lọ (tăng 18%); thuốc Fortec, tháng 9-2011 là 90.000 đồng/hộp, tháng 10 tăng lên 93.000 đồng/hộp và tháng 11 là 94.000 đồng/hộp.

Hãng dược đón đầu

Trước sự thay đổi thời tiết khiến nhiều bệnh tật gia tăng cùng với cảnh báo của Bộ Y tế về khả năng một đợt dịch cúm mới, các hãng dược phẩm đã đua nhau tăng giá. Theo giám đốc một công ty dược phẩm, điều này gần như trở thành quy luật vì năm nào dịp cuối năm các hãng dược cũng tăng giá đồng loạt để làm “nền” cho năm tới. Tuy nhiên, đó chỉ một phần nhỏ phân phối trên thị trường, cái quan trọng là các hãng dược làm giá đón đầu để đấu thầu thuốc vào bệnh viện cho năm sau.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chương trình bình ổn giá thuốc của TPHCM vẫn triển khai tốt và nay đã có hơn 1.000 nhà thuốc cam kết tham gia, tiến tới vận động 2.000 nhà thuốc tham gia vào đầu năm 2012 này.

Tuy nhiên, bình ổn chỉ là thuốc nội còn thuốc ngoại nhập, theo bà Lan, vẫn tăng. “Một số công ty dược tại TPHCM vừa qua có xin tăng giá thuốc nhưng Sở Y tế TPHCM chỉ cho tăng 4 - 5 mặt hàng/lần chứ không cho tăng đồng loạt và mức tăng vừa phải”, PGS Phong Lan nói. Điều PGS Phong Lan quan ngại là các công ty dược đang tăng giá để đón đầu đợt đấu thầu thuốc vào bệnh viện cho năm 2012. “Nếu các công ty dược không giữ đúng giá trúng thầu như năm 2011 thì rất nguy hiểm”, PGS Phong Lan cho biết.

Kinh nghiệm nhiều năm đấu thầu thuốc vào bệnh viện, giám đốc kinh doanh một công ty dược cho biết khi nộp hồ sơ đấu thầu thì điều đầu tiên là giá. Vị giám đốc này dẫn chứng loại thuốc A hiện tại có giá 10.000 đồng/hộp nhưng nếu trúng thầu thì ít nhất cũng phải vài ba tháng nữa mới cung ứng, khi đó tính ra thì giá đã không còn 10.000 đồng nữa mà 15.000 - 20.000 đồng/hộp, mới bù đắp chi phí trượt giá.

Do đó, các hãng dược phải đón đầu trước bằng cách kê khai lại giá tăng lên để khi trúng thầu đảm bảo được… trượt giá. Điều này cũng dễ hiểu vì sao giá thuốc trong bệnh viện thường cao hơn ngoài thị trường và càng đè nặng lên vai người bệnh.

Tuy nhiên, xét về góc độ nhà sản xuất, dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Công ty Dược Mekophar, cho rằng nguyên liệu đầu vào biến động rất lớn, có loại tăng giá gấp 3 lần tháng trước đây, nhất là kháng sinh, vitamin nên giá thuốc thành phẩm tăng là hợp lý. “Công ty chưa dám mua nguyên liệu và sản xuất cầm chừng vì biến động quá”, bà Lan nói.

Ngoài ra, nhân công và giá điện đang điều chỉnh tăng khiến bà Lan lo ngại: “Tăng giá thuốc quá lắm 10% mà giá các loại đầu vào tăng cao hơn thì cầm chắc lỗ to”. Còn theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, qua khảo sát 10 mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu, có 4 mặt hàng tăng giá so với tháng trước với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 8,62%, điển hình như vitamin B1, B6, C hay Trime…

“Trong tháng tới, thị trường dược phẩm trong nước có nhiều biến động tăng giá. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu cũng tăng do giá nhập khẩu, tỷ giá…”, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược dự báo.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục