Ở ĐBSCL, nghề đan lục bình đã… xưa như Trái đất, nhưng với mảnh đất đỏ Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), đây là nghề mới. Qua 5 năm, tay nghề của dân Thanh Sơn đã thuộc hàng cao thủ, đời sống của họ cũng thay đổi rất nhiều. Không chỉ vậy, nghề này còn mang đến Thanh Sơn một điều đặc biệt khác…
Nghề phụ, thu nhập chính
Xã Thanh Sơn có vị trí địa lý khá đặc biệt: một mặt giáp rừng phòng hộ thuộc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, một mặt giáp lòng hồ Trị An và 2 mặt còn lại được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai uốn lượn. Ngoài người Kinh, ở đây có 14 dân tộc thiểu số khác như Dao, Tày, Nùng, Mường, Thái, Máng… cùng sinh sống. Đất ở đây hầu hết thuộc về các lâm trường của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Người dân chỉ có một phần diện tích đất nhỏ hẹp để canh tác, vì thế chủ yếu sống bằng nghề lên rừng kiếm măng và lấy củi, thu nhập bấp bênh, cao nhất chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng.
Chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách để nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2004, Trung tâm học tập cộng đồng của xã được thành lập. Nghề đan lục bình cũng từ đó theo chân các giáo viên của Trung tâm Dạy nghề huyện Định Quán về với xã Thanh Sơn.
Thời gian đầu, phụ nữ trong xã đến với nghề này như để khỏa lấp những buổi tối rảnh rỗi hoặc những lúc không lên rừng. Không vào nghề với quyết tâm cao, làm chưa quen tay, hàng đan xong bị chủ trả lại vì không đạt tiêu chuẩn nên nhiều người nản lòng. Không ít người bỏ cuộc, nhưng trong số đó không có chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3. Chị đề nghị đào tạo thêm cho các chị em một lớp ngắn hạn nữa.
Nhờ vậy, người dạy người, nghề dạy nghề, tay nghề các chị dần cứng cáp, sản phẩm được chủ trả giá cao hơn. Trung bình, một ngày, mỗi chị có thể đan xong một bộ sản phẩm gồm 3 khay lục bình với tiền công khoảng 25.000 - 30.000 đồng, mỗi tháng kiếm thêm từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Chị Đặng Thị Hoa (36 tuổi) tâm sự: “Trước kia, nhà chỉ có cháo với rau muống xào mỗi bữa ăn. Có lúc chị Hiền phải ra chợ bảo lãnh cho tôi mua thức ăn vì không đủ tiền. Giờ, nhờ nghề đan lục bình, bữa cơm đã có thêm thịt, cá. Con cái cũng có cái áo mới mặc”.
Lần mò theo con đường đất đỏ lầy lội, bì bõm bước cao bước thấp qua cánh đồng ngập nước bởi cơn mưa đêm hôm trước, trèo qua bãi đá ong lởm chởm, mất gần 30 phút, chúng tôi mới đến được ngôi nhà “đại đoàn kết” của chị Chướng Thị Kim Nga, dân tộc Dao. Cách đây 2 năm, 6 người trong gia đình chị Nga sống trong chòi lá sập sệ chừng 6m². Không có cái ăn, vợ chồng chị có lúc phải hành nghề… ăn trộm. Bây giờ, gia đình chị Nga là một trong 3 hộ dân tộc thiểu số đã “bén” với nghề đan lục bình và … đổi đời.
Hiện nay, chị Hiền là chủ cơ sở đan lục bình lớn nhất xã Thanh Sơn với khoảng 140 công nhân. Chị chia sẻ: “Nghề này chưa phải nghề chính của bà con ở đây nhưng thu nhập còn cao hơn làm rẫy. Vì vậy, càng ngày bà con càng chăm chút cho nghề này”.
Đan chặt tình dân tộc
Có một điều ít ai nghĩ tới khi đưa nghề đan lục bình về Thanh Sơn. Đó là việc đã giúp đan chặt mối quan hệ giữa bà con các dân tộc. Lúc đầu, nhiều người Kinh đến đây sinh sống, họ không dám gặp người dân tộc bởi tâm lý sợ… bùa ngải. Buổi chiều tối, gặp bà con hỏi đường, cũng không dám trả lời. Khi nghề đan lục bình về, có khoảng 300 người tham gia, về sau lên đến hàng ngàn người. Trong số đó có khá đông phụ nữ người các dân tộc. Chị Hiền kể: “Mới vào nghề, cũng như nhiều cơ sở khác, tôi bị lỗ nặng do hàng kém chất lượng, nhưng tiếc nguồn nhân công đã đào tạo, mà bà con dân tộc bỏ nghề đan cũng chẳng có việc gì làm. Thế là tôi vận động bà con tiếp tục đeo bám”.
Ngày ngày, bà con lặn lội từ các bãi đá ong trong núi ra nhà chị vừa học nghề, vừa đan. Từ lớp học, những hiểu nhầm, những lời đồn thổi vô căn cứ càng mất dần đất sống. Các chị dần hiểu được tiếng của nhau, vừa trao đổi nghề, vừa kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Mọi người sống với nhau chan hòa, tình cảm. Với chị Hiền, nhờ nghề đan lục bình, chị am hiểu cặn kẽ nếp ăn, nếp sống của bà con các dân tộc không khác gì một nhà dân tộc học. Chị được bà con tín nhiệm và thường kể cho nghe mọi chuyện trong nhà, ngoài xóm.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Xã chúng tôi có nhiều dân tộc. Việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nhờ nghề đan lục bình, bà con các dân tộc hòa nhập tốt hơn với bà con người Kinh. Với lãnh đạo xã, việc điều hành, quản lý cũng dễ dàng hơn”.
Hiện nay, mô hình đan lục bình của xã Thanh Sơn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, một phần do giao thông ở đây còn khó khăn. Tuy vậy, nhiều người vẫn tin tưởng mô hình sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, khi mà hệ thống cầu đường trên địa bàn xã được thông suốt đến trung tâm huyện.
NGUYỄN TƯỜNG HÂN