Xây dựng văn hóa nơi công sở

Khi nào hết “hành là chính” ?

Vừa qua, tôi mang 2 bản photo, 2 bằng đại học ra phường 9 quận 3 (phường nhà tôi) chứng thực. Sau khi gởi xe, vào văn phòng lấy hết các giấy tờ bản chính, bản phụ ra đặt vào trong bọc ni lông của phường, cô văn thư nói tỉnh bơ: “Hôm nay tất cả đi đưa quân, không ai ở nhà ký giấy cho chị cả…! Chị chịu khó sang phường 14 đi!”.

Không có người có thẩm quyền ký giấy, tại sao không viết một thông báo ở bảng bên ngoài để dân không mất công vào văn phòng, mất cả tiền gởi xe (2.000 đồng)? Không chỉ tôi, trong văn phòng còn có vài người tiu nghỉu ra về, bực bội móc tiền trả tiền xe mà chẳng được gì.

2.000 đồng, một món tiền rất nhỏ, nhưng tốn 2.000 đồng đi vào rồi đi ra, thật không tức bực mới là chuyện lạ! Một hành động xem thường người dân. Lẽ ra nếu không viết một thông báo nơi chiếc bảng ngoài văn phòng, các chú giữ xe phải báo cho chúng tôi biết phường không có ký giấy và đừng gởi xe.

Các cô trong văn phòng không biết được tâm trạng người dân bỏ thời gian soạn giấy tờ, đến văn phòng chỉ nghe các cô nói: “Chẳng ai ký cả, ngày mai trở lại”! Với các cô đó là chuyện bình thường, vì các cô chỉ ngồi một chỗ trong văn phòng máy lạnh, không biết người dân phải bỏ công việc làm ăn đến phường ký giấy tờ để rồi về không!

Hơn nữa, bảo vệ ở phường đâu được thu tiền giữ xe. Phường nên viết một bảng rõ ràng ngay bãi giữ xe “Giữ xe miễn phí” như một số cơ quan.

Các cơ quan hành chính mà nhỏ nhất là phường… cần có cách làm với phương châm nhà nước “của dân, do dân, vì dân” để dân tình bớt bị gây phiền hà và bớt bị tốn tiền vô lý.

NGUYỄN NGỌC HÀ (phường 9 - quận 3)

Cán bộ trẻ phải có đức, tài

Gần đây qua báo chí, tôi thấy rất vui khi những cán bộ trẻ có năng lực và đạo đức đã được các địa phương trọng dụng. Nhiều người mới 27, 28 tuổi đã giữ chức vụ chủ tịch phường, âu cũng là sự tự hào cho lớp trẻ chúng tôi. Điều tôi mừng thứ hai là những chú, bác làm công tác quản lý cán bộ đã đặt niềm tin đúng chỗ nơi bao bạn trẻ đủ đức, đủ tài.

Quan trọng nhất bây giờ là các cán bộ trẻ ấy phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện tác phong, đạo đức và ứng xử có văn hóa mỗi khi tiếp xúc, giải quyết công việc đối với nhân dân! Muốn như thế là cả quá trình nói không với tiêu cực và giữ bản lĩnh vững vàng trước mọi phồn hoa danh lợi.

NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG
(19 Chu Văn An TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định)

Thực chất “Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn”?

Theo tôi hiểu, tiêu chuẩn cuộc vận động “Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn” gồm có ba phần chính, đó là văn minh, sạch đẹp và an toàn. Văn minh là nói về con người, những người làm việc trong công sở phải có tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ ứng xử, nhất là với khách bên ngoài phải hòa nhã, lịch thiệp, biết “kính trên, nhường dưới”. Còn sạch đẹp - an toàn là nói về cơ sở vật chất, về nhà cửa, phòng ốc làm việc của cơ quan phải gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và đảm bảo không để xảy ra sự cố mất mát tài sản hoặc bị cháy nổ.

Về việc kiểm tra công nhận “Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn” hàng năm của Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận huyện và thành phố, tôi thấy vẫn còn hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”, người kiểm tra chỉ nghe đọc báo cáo rồi kết luận.

Do việc kiểm tra theo kiểu hành chính như vậy nên mỗi lần nhận được thông báo kiểm tra là những người có trách nhiệm ở cơ quan tôi lại lo sắp xếp lại nơi làm việc và thu dọn vệ sinh trong khuôn viên cơ quan.

Mỗi lần đi kiểm tra như vậy, các thành viên trong đoàn có biết thực chất của cơ quan, đơn vị được kiểm tra hay không? Đoàn kiểm tra nên xem xét kỹ khu vực nhà vệ sinh, nơi để xe của cán bộ công nhân viên trong cơ quan, vì khu vực này thường ít được chú ý, xe của cán bộ công nhân viên thường để rất lộn xộn.

Phải chăng do có sự chuẩn bị trước nên năm nào cơ quan tôi cũng được xét công nhận đạt chuẩn “Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn”?


BÍCH NGỌC (quận 1)

Tin cùng chuyên mục