Khi nào văn phòng công chứng tư ra đời?

Người dân mong đợi...
Khi nào văn phòng công chứng tư ra đời?

Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 cho phép các công chứng viên (CCV) được thành lập các văn phòng công chứng (VPCC) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân (gọi tắt là VPCC tư). Đây là nội dung mới mẻ được nhiều người mong đợi, vì sẽ tạo ra một cơ chế “thoáng” trong hoạt động công chứng (CC). Thế nhưng, đã gần 3 tháng trôi qua, việc thành lập VPCC tư  vẫn chỉ… nằm trên giấy. Vì sao?

Người dân mong đợi...

Khi nào văn phòng công chứng tư ra đời? ảnh 1

Đông đảo người dân đang công chứng tại Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình. Ảnh: M.N.

Sáng thứ hai đầu tuần, ngồi giữa dòng người đông đúc tại PCC số 1 để chờ tới lượt CC giấy tờ, anh Nguyễn Văn Minh, một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở quận 1 băn khoăn: “Luật CC có hiệu lực rồi, theo đó việc chứng thực cũng đã phân cấp về 24 quận, huyện rồi. Thế nhưng, các PCC vẫn… quá tải, người dân vẫn phải mất thời gian chờ đợi?”.

Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, DN tư nhân tại quận Phú Nhuận than phiền: “Nghe nói Luật CC cho phép các CCV thành lập VPCC tư, người dân và doanh nghiệp chúng tôi “ khỏe hơn” vì có thêm các dịch vụ tiện ích. Thế nhưng, không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn chưa thấy VPCC tư nào ra đời?”. Theo bà Nguyễn Thị Tạc, nguyên Trưởng phòng CC số 4, việc Nhà nước cho phép thành lập các VPCC tư là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ các dịch vụ tiện ích mới này. Vậy điều kỳ vọng của người dân bao giờ trở thành hiện thực?

...Nhưng phải chờ nghị định hướng dẫn

Ông Phan Văn Cheo, Trưởng PCC số 1, TPHCM nhận định: “Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, nền kinh tế ở nước ta phát triển rất sôi động. Vì thế nhu cầu về CC, chứng thực cũng tăng cao,  đòi hỏi phải có thêm nhiều VPCC tư – hoạt động song song với các PCC công. Nhưng cho đến nay, dù có nhiều CCV muốn thành lập VPCC tư nhưng chưa được cấp giấy phép, vì còn phải chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, địa điểm, điều kiện, thủ tục, con dấu, bảo hiểm CCV…

Không phải ai muốn thành lập VPCC tư thì được cấp phép vì dù là PCC hay VPCC tư thì đều nhân danh nhà nước và CCV vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể và đúng luật, nhất là phải xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung để đảm bảo chữ tín trong giao dịch cũng như đảm bảo tính an toàn pháp lý cho người dân…”.

Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng PCC số 2 hiến kế: “Để các CCV được thành lập các VPCC tư thì  ngay từ đầu Nhà nước cần có sự  quản lý chặt chẽ về chất lượng CC; quy định thời gian tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ; giá phí và lệ phí; nghĩa vụ thuế với nhà nước, có chế độ bảo hiểm cho CCV… tránh tình trạng “thả nổi” về giá cả…”.

Mục tiêu tạo cơ chế “thoáng” trong hoạt động CC là hoàn toàn đúng, song nếu không có sự hướng dẫn khoa học, biện pháp quản lý chặt chẽ thì người dân sẽ phải “lãnh” hậu quả từ “thị trường CC”! Ai mà biết trước rằng liệu sau khi thành lập, các VPCC tư có đầy đủ các dịch vụ tiện ích như phòng máy lạnh, ghế ngồi, nước uống, không phải chờ đợi, xếp hàng vì quá tải, nhân viên phục vụ hòa nhã, tận tình… như đã đăng ký hay là chỉ có tranh thủ “chặt đẹp” người dân? Vì vậy, trước khi cho phép thành lập các VPCC, nghị định của Chính phủ cần hướng dẫn một cách cụ thể để hoạt động CC đồng bộ, hiệu quả.

Bà Ngô Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM kết luận: “Muốn thành lập các VPCC tư như Luật CC quy định, phải tùy theo điều kiện địa lý, đặc thù từng vùng, miền và sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương để đề ra tiêu chuẩn, điều kiện cho phép thành lập, góp phần đưa Luật CC thật sự đi vào cuộc sống…”.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục