Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, tổ chức hội đoàn, các nhà khoa học về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến đóng góp chưa thỏa mãn về tinh thần sửa đổi trong dự thảo luật vì chưa đi sâu vào xóa bỏ cơ chế xin - cho, các ngành dự thảo luật tự trao quyền cho mình mà chưa quy định rõ trách nhiệm…
Chưa bỏ cơ chế xin - cho
Theo TS Trần Du Lịch, Luật Ngân sách sửa đổi cần xác định rõ thẩm quyền phân bổ ngân sách một cách rõ ràng: cái nào thuộc thẩm quyền duyệt dự toán ngân sách của HĐND, cái nào thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, chứ không phải cái gì cũng do Bộ Tài chính quyết. Tương tự, những khoản thu nào phải đưa về Trung ương theo tỷ lệ thì nên thay đổi cách quy định thu chi ngân sách. Bởi vì, khi quy định tỷ lệ thì có hiện tượng tỉnh thiếu tiền xin giảm tỷ lệ nộp cho Trung ương, tỉnh dư tiền thì bị đòi tăng tỷ lệ nộp. Do vậy, phải làm sao khuyến khích các địa phương tìm cách tăng thu ngân sách chứ không nên để mạnh tỉnh nào tỉnh đó “chạy” duyệt chỉ tiêu, xin - cho mà có được.
Về các quy định không rõ ràng dẫn đến xin - cho, ông đặt vấn đề: “Vì sao nền kinh tế vẫn trì trệ nhưng số thu vẫn tăng”? Đó là do các đơn vị kỳ kèo xin giao chỉ tiêu thu thấp, sau đó thu vượt để được thưởng từ số thu vượt… Cũng vì cơ chế xin - cho, và cơ chế “đặc thù” nên tỉnh nào cũng lo chạy, lo xin. Để rồi, xảy ra nhiều bất hợp lý là có tỉnh nghèo, thu ngân sách không bao nhiêu nhưng vẫn xin được chi xây dựng trụ sở đẹp như… dinh thự!”.
Chứng thực sao y - một lệ phí mang tính chất thuế. (Trong ảnh: Xác nhận hồ sơ cho người dân tại UBND quận 1). Ảnh: PHẠM CAO MINH
Đại diện Viện Kinh tế cho rằng quy trình dự toán ngân sách theo dự thảo luật sửa đổi không có gì thay đổi lớn, nếu không thay đổi thì cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách vẫn còn. Đại diện Hội Kế toán TPHCM cho rằng, phải bỏ chữ “đặc thù” thì mới công bằng, hạn chế xin - cho, nếu không, các đơn vị cứ lấy tính đặc thù để xin cơ chế riêng, khiến luật không thống nhất. Một vấn đề khác tạo cơ chế xin - cho, bất bình đẳng lâu nay là thực hiện thu và trích thu phí và lệ phí. Hiện tại, có nhiều đơn vị thu lệ phí nhưng không nộp cho ngân sách đủ 100% mà để lại đơn vị (dù được cho) là sai Luật Ngân sách. Cần phân biệt rõ, “lệ phí” mang tính chất thuế (dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện như lệ phí trước bạ, lệ phí chứng thực sao y…), còn “phí” do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện (như học phí, phí khám chữa bệnh…). Do vậy, các đại biểu thống nhất đề xuất quy định lệ phí thu được phải được nộp hết 100% vào ngân sách, tránh dẫn đến xin cho, rồi có đơn vị xin được, có đơn vị không xin được, bất công bằng. Bên cạnh đó, luật cũng nên chuyển một số loại phí để cho tự đơn vị tự chủ mà không đưa vào ghi thu - ghi chi.
Quyền hoành tráng, né trách nhiệm!
Quyền hành của Kiểm toán Nhà nước rất lớn, kiểm toán toàn bộ việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, Luật Kiểm toán Nhà nước chưa quy định trách nhiệm nếu không kiểm toán kịp thời, để các đơn vị xảy ra sai phạm thì bị xử lý như thế nào. Cụ thể như vụ Vinashin, khi kiểm toán ra quyết định kiểm toán thì thanh tra chính phủ đang thanh tra, nên không tiến hành kiểm toán, vậy có chịu trách nhiệm không?! Nhưng nếu đơn vị nào cũng được quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán thì sẽ gây phiền phức… Do vậy, các đại biểu góp ý dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước lần này là phải quy định rõ, đơn vị nào (các cơ quan thanh tra, thuế, kiểm toán) đã làm rồi thì đơn vị kia không làm nữa để tránh phiền hà cho đơn vị bị kiểm toán.
Theo Đại biểu Trần Du Lịch, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi chỉ quy định thẩm quyền của mình mà không quy định trách nhiệm tương xứng. Cụ thể, kết luận báo cáo kiểm toán nhà nước là tối cao nhưng khoản 3, Điều 8 dự thảo luật lại quy định “cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”. Như vậy, kết luận kiểm toán do cơ quan kiểm toán ban hành nhưng người sử dụng phải tự chịu trách nhiệm thì có nghĩa là kiểm toán không chịu trách nhiệm gì cả (?!). Trong khi đó, về thẩm quyền thì dự thảo lại quy định thẩm quyền tuyệt đối cho cơ quan kiểm toán, từ kiểm toán đến cả quyền… giải quyết khiếu nại! Cụ thể, dự thảo quy định quyền hạn của Kiểm toán trưởng là được chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu nại tố cáo về những xác nhận trong báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Các đại biểu cho rằng, không phải bao giờ kết luận kiểm toán cũng đúng, khi không đúng bị khiếu nại mà việc giải quyết khiếu nại lại do chính kiểm toán trưởng giải quyết là không hợp lý, không khách quan. Do vậy, kiểm toán Nhà nước cũng phải bị giám sát, bị kiểm tra trong hoạt động của mình. Từ đó, các đại biểu đề nghị, luật cần bổ sung quy định đơn vị bị kiểm toán không đồng tình với kết quả kiểm toán thì phải có quyền khiếu nại theo Luật khiếu nại hoặc có quyền khởi kiện ra tòa.
HÀN NI