Khi “vàng trắng” mất giá

Đông Nam bộ được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su ở nước ta. Loại cây công nghiệp này từng được ví như “vàng trắng” khi mang lại lợi nhuận cao cho người trồng. Trước việc giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong thời gian qua, người dân nơi đây đang ồ ạt đốn bỏ cây cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Khi “vàng trắng” mất giá

Đông Nam bộ được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su ở nước ta. Loại cây công nghiệp này từng được ví như “vàng trắng” khi mang lại lợi nhuận cao cho người trồng. Trước việc giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong thời gian qua, người dân nơi đây đang ồ ạt đốn bỏ cây cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Trong khi người dân sản xuất theo kiểu tự phát, thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong vùng chưa có sự hỗ trợ thiết thực cho họ. Thực trạng trên dẫn đến vòng luẩn quẩn “trồng-chặt, chặt-trồng”.
 
Ào ạt chặt hạ

Dọc theo quốc lộ 13, đoạn từ huyện Chơn Thành đi huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt vườn cao su đang thời kỳ cho mủ sung sức bị đốn hạ. Hàng đống cây cao su chất cao vút chờ những người thu mua đem xe đến chở đi. Những cây cao su này tầm 3 - 5 năm tuổi vừa đốn hạ để bán củi hoặc những cây lớn hơn được cưa thành từng đoạn để bán gỗ. Gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở ấp Phố Lố, xã An Phú, huyện Hớn Quản có 2ha cao su đang thu hoạch. Với giá “vàng trắng” chỉ hơn 6.000 đồng/kg (mủ tươi), gia đình ông cũng… trắng tay từ 6 tháng qua. Vì vậy, dù “đứt ruột” nhưng ông Đức đã phải chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác. Ông Đức nói: “Cao su rớt giá suốt thời gian dài nên thu nhập của người trồng chẳng còn gì nữa. Như vườn cao su của gia đình tôi, nếu thu hoạch cũng chỉ đủ trả công cho người cạo mủ thôi. Bà con ở đây đang phải chặt cao su để chuyển sang trồng điều. Riêng gia đình tôi do đất xấu nên trồng cây tràm”.

Nhiều vườn cao su ở huyện Hớn Quản (Bình Phước) bị chặt hạ vì nông dân không còn sức “cầm cự”

Tương tự, các nông hộ trồng cao su tiểu điền ở tỉnh Tây Ninh cũng đang ào ạt “hóa kiếp” vườn cao su để trồng mía, mì… Ông Lê Văn Hải, ngụ tại huyện Tân Châu vừa cưa 3ha cao su (hơn 10 năm tuổi) đang thời kỳ cho mủ nhiều, vừa tâm sự: “Nếu cứ trông chờ giá mủ tăng trở lại thì gia đình tôi lấy gì tiêu pha. Bây giờ chặt cao su cũng mất cả hàng trăm triệu đồng đầu tư, nhưng phải chấp nhận chuyển sang trồng mỳ trong tháng tới để nhanh lấy lại phần nào vốn”.

Đó là hệ quả của việc giá “vàng trắng” đã giảm sâu trong thời gian dài, khiến người trồng cao su không có lãi. Theo đó, nhiều nông hộ ở các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... không đủ sức cầm cự được nữa, đành ồ ạt phá bỏ vườn, bất kể cây còn non hay đang cho lấy mủ, để chuyển sang trồng cây khác. Theo ghi nhận, nếu như cách đây 5 năm, giá mủ cao su ở mức từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (quy khô), thì đầu năm 2014 đã xuống còn 50.000 đồng/kg và hiện tại chỉ còn gần 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng lỗ nặng bởi riêng việc mở miệng cạo mủ đã tốn hàng chục triệu đồng để đầu tư kiềng, máng, chén; thuê nhân công cạo mủ và công chăm sóc lại vườn cây...

Cần được hỗ trợ

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến tháng 10-2015, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 2.000ha cao su bị người dân đốn bỏ. Trong đó, nhiều nhất ở huyện Tân Châu với hơn 700ha, Tân Biên hơn 600ha. Còn số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho thấy, trong hai năm 2014 - 2015, địa phương này đã có gần 1.900ha bị chặt hạ. Đây là những diện tích cao su tiểu điền, được trồng ào ạt vào thời điểm giá cao su tăng cao nên chất lượng cây giống không đảm bảo, cho năng suất thấp. Có nhiều nguyên nhân khiến bà con nông dân chặt bỏ cây cao su: do tâm lý bất an về thị trường, để tái canh do vườn cao su già cỗi, để trồng các loại cây khác hoặc chuyển đổi sang chăn nuôi. Với số vốn bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư cho 1ha cao su (trong thời gian từ 5-7 năm) đến khi khi thu hoạch. Nguồn thu để trả nợ của họ chính là sản phẩm mủ cao su. Nay giá “chạm đáy”, người trồng như lâm vào cơn “bĩ cực”.

Còn nhớ, những năm 1990 - 2000, nhiều vùng trên cả nước cũng đã xảy ra tình trạng chặt bỏ cây cao su đồng loạt, sau đó giá tăng trở lại khiến người dân phải trả giá đắt. Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu đó, chính quyền các địa phương đang ra sức vận động bà con nông dân không chặt bỏ cao su, ráng cầm cự để chờ giá mủ tăng. Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết: Trước tình hình người dân phá bỏ cao su để trồng cây hồ tiêu, điều, mì… ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo, vận động các hộ dân không nên chặt bỏ cây cao su non vì đã tốn chi phí đầu tư, chăm sóc rất nhiều. Việc phá bỏ vừa gây lãng phí, mất mát tiền bạc và có thể phá vỡ vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh của địa phương. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cây cao su quản lý và thực hiện tốt quy hoạch cây trồng của tỉnh; tăng cường tuyên truyền cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá cây cao su non, gây thiệt hại đến kinh tế; khuyến cáo trong thời điểm cao su rớt giá, bà con nông dân có thể giảm bớt suất đầu tư cho vườn cây, như hạn chế phân bón, điều chỉnh lại công thức cạo mủ để giảm chi phí lao động...

Hơn lúc nào hết, người nông dân rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm để duy trì vườn cao su, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), so với năm 2004, đến nay diện tích cao su cả nước đã tăng hơn 2 lần, từ 454.000ha (năm 2004) lên gần 960.000ha (năm 2014); trong đó, vùng trọng điểm cao su Đông Nam bộ là tăng nhiều nhất (Bình Phước vượt 82.000ha, Tây Ninh vượt 33.200ha, Bình Dương vượt 7.300ha…). Do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch, dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục