KHI ZIZOU ĐÁ BÓNG Ở QUÊ NGHÈO...

1-
KHI ZIZOU ĐÁ BÓNG Ở QUÊ NGHÈO...

1- Phương Tây có cả một nền văn hóa bóng đá, có hơn 100 năm lịch sử FIFA và cũng đã 77 năm lịch sử World Cup. Phương Đông, có lẽ bóng đá lạc hậu hơn, chậm tiến hơn, nhưng cũng có một nền văn hóa ứng xử của riêng mình. Chúng ta nhìn Zidane qua lăng kính ấy.

Tất cả những ai đã theo dõi trận tứ kết World Cup 2006 vào một ngày đầu tháng 7-2006 đều thừa nhận Zidane biểu diễn kỹ thuật đá bóng còn hay hơn, đậm chất Brazil hơn cả những cầu thủ Brazil nổi tiếng nhất hôm đó như Ronaldinho, Kaka, Roberto Carlos hay Ronaldo.

KHI ZIZOU ĐÁ BÓNG Ở QUÊ NGHÈO... ảnh 1

Zizou ký tên lên tấm đá đầu tiên, phát động dự án xây dựng nhà máy thực phẩm cho người nghèo ở Bangladesh.

Đôi chân Zidane điều khiển quả bóng đẹp mắt chẳng khác gì đôi tay của một nhà ảo thuật lành nghề, buộc quả bóng tuân theo ý mình trước ánh mắt bất lực của mọi đối thủ. Chẳng phải ai khác, một quả đá phạt của Zidane dẫn tới cú vôlê ghi bàn duy nhất của Thierry Henry ở hiệp hai, loại Brazil lừng danh ra khỏi World Cup. Cũng chính vì thế, chính Zidane đã nâng một đội Pháp trì trệ, thất vọng trong vòng đấu bảng thành ứng cử viên vô địch sáng giá.

Lúc ấy, chúng ta kính phục những pha đảo người đi bóng, bước chân thanh thoát và bộ óc bóng đá thông minh của Zidane. Càng kính phục trình độ thượng hạng của Zidane bao nhiêu, càng chia sẻ bấy nhiêu cùng những giọt mồ hôi chảy đọng lại dưới cằm và gương mặt nhẫn nại, chịu đựng. Và cũng vì thế, cuối trận chung kết World Cup 2006 giữa Italia và Pháp vào ngày 9-7, chúng ta không khỏi thảng thốt khi ống kính truyền hình đang từ phần sân Pháp quay lại phần sân Italia để cho thấy cái cảnh Zidane húc đầu trí mạng vào ngực Marco Materazzi.

2- Cú húc đầu ấy không chỉ mang lại chiếc thẻ đỏ cho Zidane trong trận đấu cuối cùng của anh trước khi giải nghệ. Cú húc ấy còn làm rung chuyển cả lịch sử World Cup. Hàng trăm triệu khán giả truyền hình có lẽ không thể tin vào mắt mình khi thấy phản ứng của Zidane. Các cây bút bình luận phương Tây bắt đầu thả sức phân tích, quy kết này nọ.

Nào là Zidane đã có cả một “tiền án” với một mớ thẻ đỏ vì đấm hoặc húc đối thủ. Nào là Zidane làm hỏng giấc mơ vô địch của đội Pháp mặc dù chính anh là người vun đắp giấc mơ ấy. Nào là Zidane đã làm hoen ố tên tuổi của chính mình. Thậm chí trong một bài viết tổng kết bóng đá thế giới năm 2006, cựu danh thủ Gary Lineker còn dùng hình ảnh bạo lực của Zidane làm dấu chấm hết cho một kỳ World Cup tổ chức mỹ mãn nhưng nghèo về kỹ năng trình diễn nói chung, khan hiếm về bàn thắng kể từ giai đoạn loại trực tiếp trở đi.

Có thể họ nói đúng. Có lẽ một thần tượng bóng đá đích thực phải vẹn toàn, tròn trịa... như quả bóng Fernenova đẹp đẽ của Adidas. Và có lẽ từ nay về sau, nhiều CĐV sẽ mãi mãi tâm niệm rằng Zidane, chính anh, đã để vuột cơ hội trở thành người nghệ sĩ thứ hai đơn thương độc mã mang chức VĐTG về cho một cả đội tuyển - như Maradona với chức vô địch Mexico 86 cùng đội tuyển Argentina vậy.

3- Nhưng... có một chữ nhưng trong đó... khi cơn đau do cú húc đầu của Zidane qua đi, khi các cuộc tranh cãi dao to búa lớn dịu lại, thậm chí khi Zidane bắt đầu khuất dần trong cuộc sống mới của riêng anh, người đội trưởng một thời của những con gà trống Gaulois vẫn lại chinh phục được trái tim cộng đồng.

Những người viết báo chúng tôi nhớ hoài mẩu tin Zidane đến với một ngôi làng quê nghèo ở gần thủ đô Dhaka của Bangladesh vào những ngày đầu tháng 11, tức là khoảng 4 tháng sau World Cup. Đó là ngôi làng Kamar Basulia, nơi của những bãi cát vàng nắng cháy, những người lớn lam lũ tảo tần cùng bọn trẻ con đen đúa gầy guộc như củi khô.

KHI ZIZOU ĐÁ BÓNG Ở QUÊ NGHÈO... ảnh 2

Bãi cát vàng cỏ cháy, Zidane đá bóng với bọn nhỏ ở làng Kamar Basulia trong chuyến thăm hồi tháng 11-2006.

Zidane đến làng Kamar Basulia theo lời mời của Muhammad Yunus, một con người nhân hậu đã đồng nhận giải Nobel hòa bình cùng với Ngân hàng Grameen Bank do ông ta sáng lập. Trong hàng chục năm trời, những khoản cho vay nhỏ với lãi suất ưu đãi của Grameen Bank đã cứu hàng triệu người khỏi cảnh túng quẫn. Với Muhammad Yunus, Zidane là thượng khách. Đích thân Yunus dẫn Zizou đến với bọn trẻ, chơi bóng với chúng, nhìn chúng nhe hàm răng trắng nhởn ra cười trong trận đấu nhỏ trên bãi cát làng quê, để rồi Zidane cũng cười... hồn nhiên như chúng.

4- Đâu chỉ có vậy. Theo chân Yunus, Zizou gặp gỡ cả những người thay vì cách đây vài năm vẫn còn đi ăn mày thì nay đã đổi đời, chuyển sang bán dạo kem đánh răng, dầu gội hoặc bán rau nhờ những khoản vay trị giá chỉ vài đôla từ Grameen Bank. Như bọn trẻ nhỏ, những con người ấy có lẽ mơ cả một đời cũng không tin là được gặp Zidane. Và ngược lại, gặp những người ấy thì Zidane có lẽ cũng đã có một cảm quan mới về cuộc sống.

...Trong chuyến thăm ấy, Zidane còn tham gia lễ phát động khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất thức ăn, do tập đoàn Danone và Grameen Bank hùn mỗi bên nửa vốn. Dự án này trị giá một triệu USD, đặt tại thành phố Bogra ở phía Bắc. Nó sẽ sản xuất đồ ăn giàu dinh dưỡng cho những người có thu nhập thấp...

Tiếc thay, báo chí Tây phương đã xoáy quá sâu, phê phán quá mạnh cái húc đầu của Zidane nhưng lại làm ngơ chuyến thăm dân nghèo Bangladesh. Anh không giúp họ vụt một cái... giàu lên. Anh không tạo ra một doanh thu, một bản quyền truyền hình béo bở cho họ. Nhưng anh mang lại cho họ một phút ấm lòng mà đối với họ, đôi khi một phút ấy lại giá trị hơn mọi thứ.

Sẽ chẳng có tấm huy chương, chiếc cúp hay một chức vô địch nào dành cho anh qua chuyến thăm như thế, nhưng đây lại là lúc cái câu “bóng đá có thể xóa nhòa mọi định kiến” chứng tỏ ý nghĩa của nó. Phương Tây có thể hiện đại, chuyên nghiệp, rạch ròi hơn về các con số thành tích, lợi danh. Còn phương Đông trọng những tấm lòng độ lượng hơn tất cả.

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục