Từ những vật dụng hết sức đời thường, các chàng trai, cô gái người Raglai đang sinh sống giữa núi rừng Yang Bay, thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã làm say lòng du khách với những bản nhạc đặc trưng của dân tộc mình. Họ chẳng khác gì những “kho báu” giữa đại ngàn.
Đội nhạc Yang Bay
Những ngày đầu xuân, tôi có dịp đến xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh - nơi có thác Yang Bay đẹp như tranh, cách thành phố Nha Trang chừng một giờ đi xe máy. Yang Bay kỳ thú bởi sự hòa quyện giữa núi rừng đã tạo nên thác Yang Bay - một “kiệt tác” thiên nhiên ban tặng cho Khánh Hòa. Yang Bay đang thay đổi, nhưng đối với đội nhạc Yang Bay thì không đổi, vẫn níu chân du khách đến đây. Từ ngày Khu du lịch Yang Bay được hình thành, đội nhạc chuyên trình diễn các nhạc cụ đặc thù của đồng bào dân tộc Raglai cũng chính thức gầy dựng, phát triển để phục vụ du khách. Những tiết mục của đội nhạc đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu tại Yang Bay. Bởi vậy, du khách đến Yang Bay, ngoài thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên đẹp bậc nhất vùng núi rừng Nam Trung bộ, còn hiếu kỳ quyết xem cho được những tiết mục âm nhạc Raglai. Anh Trần Thanh Phong, một du khách đến từ TPHCM, cho biết: Yang Bay có cảnh đẹp kỳ thú, hấp dẫn là một lợi thế, nhưng tiếng nhạc của người Raglai giữa núi rừng cũng kỳ thú không kém. Tiếng nhạc đã tạo nên một Yang Bay muôn màu muôn vẻ.
Anh Kosenok Alexey (30 tuổi, du khách Nga) cho biết, đây là lần thứ hai anh đến du lịch tại Khánh Hòa. Cũng như lần đầu, Yang Bay vẫn là nơi anh chọn thưởng ngoạn, khám phá. Dù hơn một lần được biết đến, nhưng khi âm thanh từ những nhạc cụ Raglai được vang lên, đôi mắt Kosenok Alexey cứ tròn xoe, say đắm từng âm thanh, điệu múa, câu hát... Rồi khi men nhạc Raglai đã ngấm, Kosenok Alexey nhảy lên sân khấu, hòa mình với các chàng trai, cô gái Raglai như thể anh là người bản địa. Và lần lượt, những du khách Tây khác cũng thăng hoa cùng tiếng nhạc Raglai. Tiếng nhạc cứ thế lan tỏa, vang vọng núi rừng. “Các chàng trai, cô gái Raglai múa rất đẹp, từng điệu múa mạnh mẽ nhưng không kém phần uyển chuyển, tinh tế. Được hòa mình vào đây thật thú vị!”, Kosenok Alexey nói.
Và “thủ lĩnh” Cao Dy
Ở Yang Bay, cái tên Cao Dy không xa lạ. Ngoài biệt tài chơi thuần thục và làm được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai, Cao Dy còn là “thủ lĩnh” của đội nhạc Raglai. Hiện trong các buôn làng người Raglai ở Khánh Vĩnh còn rất ít người có thể làm ra và sử dụng được các nhạc cụ truyền thống. Có người làm được nhạc cụ nhưng lại chơi không thành thạo. Từ khi còn nhỏ, Cao Dy đã thường xuyên tiếp xúc với các cao niên trong làng, được sống trong không gian của cồng chiêng, các nhạc cụ Raglai. Cứ thế, những âm thanh kia ngấm dần vào Cao Dy từ những đêm nổi lửa, lễ mừng cơm mới, mừng một sinh linh chào đời, hay khóc thương một người già lúc đi xa… Cho đến bây giờ, đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ Raglai, nhưng niềm đam mê của Cao Dy vẫn cháy bỏng, anh vẫn luôn tìm tòi để vun đầy hơn những kiến thức về âm nhạc truyền thống dân tộc mình, để thực hiện giấc mơ giữ “hồn” Raglai.
Năm tháng trôi qua, bằng niềm đam mê và sự cố gắng không ngừng, tiếng sáo, tiếng đàn của Cao Dy được nhiều người biết đến. Anh đã được vinh dự đi thi và giành nhiều thành tích trong các hội thi văn hóa văn nghệ các dân tộc cấp tỉnh, cấp khu vực. Hiện Cao Dy là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của đồng bào các dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những nỗ lực của anh đã được đền đáp, tháng 3-2008, Cao Dy được chọn làm Đội trưởng Đội văn nghệ Raglai ở Yang Bay, với mức lương khá ổn định. Ở tuổi 38, dường như Cao Dy đã thừa kế được tất cả những gì tinh túy nhất của âm nhạc Raglai. Anh cho biết mình có thể sử dụng thành thạo gần 20 loại nhạc cụ của người Raglai và các dân tộc khác.
Đội nhạc Yang Bay đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với nơi này, qua đó giúp người nghệ sĩ sống được bằng nghề. Và chính họ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa Raglai.
VĂN NGỌC