Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Bộ NN-PTNT, hiện cả nước đã có tới 4.575 làng nghề. Trong những năm qua, số lượng làng nghề ra đời với cấp số nhân, ngày càng có thêm nhiều nghề mới. Từ những nghề đơn giản nhất như làm tăm tre, đan lát tới cao cấp như gốm mỹ nghệ, thêu khảm, dệt lụa, hoa nghệ thuật… Các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai… được mệnh danh là những vùng đất “bách nghệ”.
Các làng nghề đã góp vai trò đáng kể về tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho 11 triệu lao động nông thôn. Thực tế, ở làng nào, xã nào có nghề và dịch vụ thì mức thu nhập cũng như đời sống vật chất của người dân nơi đó sung túc hơn hẳn so với những nơi vẫn chỉ thuần nông, không tổ chức được nghề phụ.
Thế nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, gần 2 năm nay, hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống trong cả nước lao đao, trong đó có cả những làng nghề lớn tên tuổi đã khẳng định trên thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp buộc phá sản, hàng làm ra không có người mua, thị trường xuất khẩu cũng bế tắc, máy móc đành nằm “đắp chiếu”. Không chỉ hàng ngàn chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu hệ lụy vì thua lỗ và vỡ nợ làm hàng chục ngàn lao động bị mất việc làm, cuộc mưu sinh gặp nhiều khó khăn.
Theo ông An Văn Khanh, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), nguyên nhân chính đẩy các làng nghề thủ công truyền thống gặp khó khăn như hiện nay do suy giảm kinh tế toàn cầu, nợ công châu Âu gia tăng nên các thị trường nhập khẩu gần như đóng cửa. Năm 2008, các làng nghề ở nước ta đã từng gánh chịu khủng hoảng do lạm phát và nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng hiện nay bên cạnh đầu ra bế tắc còn nguyên nhân không kém quan trọng các doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất quá cao.
Vì vậy, để cứu làng nghề cần hỗ trợ vốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như hạ lãi suất tiền gửi để hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp làng nghề lại là đối tượng khó vay vốn tín dụng nhất. Một phần vì năng lực, trình độ của người làng nghề có hạn, không có dự án cụ thể. Thủ tục xin vay ngân hàng còn quá rườm rà, mức cho vay lại quá nhỏ. Các làng nghề nhiều năm vẫn cứ loay hoay, chật vật vì thiếu vốn. Hiện nay, mặc dù lãi suất đang giảm nhưng các doanh nghiệp làng nghề vẫn không với tới vì khoản nợ cũ chưa trả.
Do đó, về lâu dài cần thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các làng nghề. Quỹ sẽ chia sẻ rủi ro với các ngân hàng và tạo cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất. Trước mắt, các ngân hàng cần tạo điều kiện khoanh, giãn nợ cho các doanh nghiệp còn nợ đọng, tiếp tục cho vay đầu tư sản xuất để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Nhưng điều cốt tử với các làng nghề, làm sao nâng sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài mà hiện nay ngay cả cạnh tranh trên thị trường nội địa đã khó chưa nói đến việc đưa sản phẩm xuất ngoại. Khó khăn, bế tắc vẫn tiếp diễn nếu các làng nghề không nỗ lực cải tiến chủng loại, nâng chất lượng sản phẩm, tăng độ tinh xảo phù hợp với thị hiếu của các thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng khi chủ động quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo tay nghề cho lao động nhằm gìn giữ các làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc lưu truyền nhiều đời. Sản phẩm tốt, tinh xảo, mang hàm lượng văn hóa cao thì mới giúp các nghệ nhân Việt đưa sản phẩm truyền thống đi xa, giới thiệu với toàn cầu.
Phúc Văn