Khó hiểu

Ngày 1-10-2003, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Phúc và bà Nguyễn Thị Đoan Trang ký hợp đồng cho ông Bùi Công Giang (hiện là Tổng Giám đốc Công ty Anpha Capital) thuê 3 căn nhà mặt tiền thuộc sở hữu của ông bà ở số 7 Võ Văn Tần, số 180 và 180A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 TPHCM. Hợp đồng thuê có thời hạn 5 năm, hết hạn vào ngày 1-10-2008. Tổng giá thuê ban đầu là 63 triệu đồng/tháng (tương đương 4.200 USD/3 căn). Chủ nhà đã nhận 50.400 USD tiền cọc. Trước 6 tháng hết hạn hợp đồng, ông Phúc gửi thông báo đến ông Giang thông báo không có nhu cầu cho thuê nữa, đồng thời yêu cầu khách trả lại nhà để xây dựng lại. Không đồng ý trả nhà, ông Giang yêu cầu tái ký hợp đồng thuê dựa trên cơ sở Điều 2 và Điều 6.2 về việc tái ký hợp đồng khi khách có nhu cầu tiếp tục thuê mặt bằng trong hợp đồng.

Cho rằng ông Phúc và bà Trang đã vi phạm, không giữ đúng cam kết tiếp tục tái ký như hợp đồng đã nêu, ông Giang khởi kiện. Tòa sơ thẩm quận 3 tuyên ông Giang tiếp tục được thuê nhà. Bất bình vì mình bị tước đoạt quyền định đoạt tài sản, vợ chồng ông Phúc kháng án. Tòa phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm, chấp thuận yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà của chủ nhà, đồng thời bác yêu cầu tái tục hợp đồng thuê nhà của ông Giang. Song, chủ nhà phải chịu phạt vì vi phạm cam kết tái tục hợp đồng với khách thuê. Dù hợp đồng thuê đã hết hạn, chủ nhà sẵn sàng nộp phạt nhưng vẫn không thể lấy lại nhà vì ông Giang nhất quyết không đi và còn đề nghị tiếp tục giám đốc thẩm…

Dõi theo các phiên tòa, có thể thấy nguyên nhân khiến vụ việc kéo dài, ngày càng phức tạp là do những thiếu sót khó hiểu của tòa 2 cấp trong quá trình tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu được tái tục hợp đồng thuê nhà của bên thuê, buộc bên cho thuê phải tái ký hợp đồng thuê nhà mà chưa xác minh, làm rõ bên cho thuê nhà thực sự có nhu cầu lấy lại nhà đã cho thuê hay chưa, nhưng đã quyết định buộc các bên phải ký hợp đồng thuê nhà là chưa đủ căn cứ.

Tòa án cấp phúc thẩm xác định bên cho thuê nhà là ông Phúc, bà Trang đơn phương chấm dứt hợp đồng dẫn đến việc bồi thường thiệt hại tương đương số tiền mà bên thuê nhà là ông Giang đã đặt cọc là trái luật (Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị quyết số 1 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao) bởi đặt cọc là biện pháp để bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng thực tế hai bên đã tiến hành ký kết và thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm xử quyết định hai bên chấm dứt hợp đồng thuê nhưng không buộc bên đi thuê trả nhà cho bên cho thuê là chưa triệt để, kéo dài việc tranh chấp và gây thiệt hại cho cả hai bên đương sự. Chưa kể, về tố tụng, việc ông Giang khởi kiện không yêu cầu xem xét tiền đặt cọc nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là đúng, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xử buộc ông Phúc bà Trang phải trả lại tiền cọc và phạt cọc là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, vừa vượt quá yêu cầu của nguyên đơn, vừa tước quyền kháng cáo của bị đơn.

Với nhiều thiếu sót như vậy nên việc Tòa dân sự TAND tối cao quyết định “hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND TPHCM và bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận 3, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 3 xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định” cũng là điều dễ hiểu. Vụ kiện đòi lại nhà cho thuê trở về điểm xuất phát và đây cũng là một ví dụ điển hình cho tình trạng không có điểm dừng trong tố tụng dân sự, gây nhiều hệ lụy không đáng có, khiến người dân mất niềm tin vào tính công minh của pháp luật.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục