(SGGP).- Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), hiện nay xu hướng đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, nhưng các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu trong thị trường nội địa.
Tỷ lệ mua sắm vật tư, linh kiện tại Việt Nam của các công ty sản xuất Nhật Bản là 33,2%, rất thấp so với Trung Quốc (66,2%), Thái Lan (54,8%), Indonesia (43,1%) và Malaysia (40,7%). Vì vậy, các công ty Nhật Bản phải dựa vào nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan hay Trung Quốc.
Trong ngành công nghiệp ô tô, việc giảm thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN trong năm 2018 có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Mức thuế nhập khẩu 60% áp dụng cho ô tô lắp ráp tại Việt Nam sẽ được giảm xuống 0% vào năm 2018, sau khi AEC thành lập.
Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải đóng thuế để mua các linh kiện không có sẵn ở Việt Nam từ các nước láng giềng, sau đó tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Vì vậy, để Việt Nam có lợi thế hơn so với các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, điều quan trọng là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các công ty Nhật Bản cũng cần phải hợp tác với các đối tác địa phương trong việc nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và bảo vệ nguồn cung cấp linh kiện phụ tùng.
LẠC PHONG
* Giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng nhẹ
(SGGP).- Theo ghi nhận, từ trung tuần tháng 5 đến nay, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tiếp tục nhích nhẹ. Đơn cử, giá xi măng tăng thêm 1.000-2.000 đồng/bao; gạch xấp xỉ 60 đồng/viên; thép xây dựng khoảng 100.000 đồng/tấn so với tuần trước. Hiện xi măng xây thô Hà Tiên có giá 78.000 đồng/bao, xi măng xây dựng thường Hà Tiên 1 khoảng 92.000 đồng/bao, trong khi xi măng Holcim đứng ở mức 90.000 đồng/bao. Các loại gạch ống, gạch thẻ dao động 800-970 đồng/viên, tùy thương hiệu sản xuất, thép xây dựng 13,95-14,1 triệu đồng/tấn.
Theo chủ các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, nguyên nhân giá vật liệu xây dựng tăng là do phí chuyên chở tăng theo giá xăng, phần khác do các nhà sản xuất xi măng, sắt thép mạnh tay cắt giảm khuyến mãi. So với mùa xây dựng cùng kỳ năm ngoái, sức mua được các điểm bán ghi nhận tăng khoảng 15%, một mức không cao dù năm nay thị trường được đánh giá đang phục hồi mạnh trở lại sau thời gian ảm đạm.
THẢO TIÊN
* Xuất khẩu cao su tăng 34%
(SGGP).- Bốn tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu 252.416 tấn cao su tự nhiên đạt kim ngạch xuất khẩu 361 triệu USD. So cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu cao su đã tăng 34% về lượng nhưng lại giảm 3,3% giá trị. Giá xuất khẩu trung bình từng tháng dao động từ 1.580 - 1.582 USD/tấn. Các thị trường nhập khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc 112.494 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2014; Malaysia 42.426 tấn, tăng 46% và Ấn Độ 20.610 tấn, tăng 75%.
MINH THUẬN
* Doanh nghiệp Việt đầu tư 20 tỷ usd ra nước ngoài
(SGGP).- Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết tháng 4-2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài, tổng vốn đăng ký đạt 15 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 115 lượt dự án tăng vốn thêm 5 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam lên 20 tỷ USD. Trong đó, Lào thu hút nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam nhất với 259 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 3,9 tỷ USD. Xếp thứ hai là Campuchia có 171 dự án, đạt 3,2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Venezuela cũng thu hút 2 dự án với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư; Peru 6 dự án tổng vốn 1,3 tỷ USD; Liên bang Nga có 18 dự án với tổng vốn đầu tư 968 triệu USD…
Ngành nghề được doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư nhiều nhất là ngành khai khoáng (chiếm 34% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là nông, lâm, ngư nghiệp, viễn thông… với các nhà đầu tư tên tuổi lớn của Việt Nam như: Petro VN, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai…
HUY HIỂN