Khoảng 155.000 hộ gia đình ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

* Bến Tre: chỉ còn 4 xã nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn* Khẩn cấp trữ nước ngọt
Khoảng 155.000 hộ gia đình ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

* Bến Tre: chỉ còn 4 xã nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn
* Khẩn cấp trữ nước ngọt

(SGGPO). - Sáng nay 7-3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về phòng, chống xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và 11 tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn trong vùng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cao Phong

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương coi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay là thiên tai đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân”

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đến ngày 7-3, diện tích lúa thiệt hại gần 139.000 ha. Trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%), 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất (chiếm 31%) và 9.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 7%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau: 49.343 ha, Kiên Giang: 34.093 ha, Bạc Liêu: 11.456 ha và Bến Tre: 13.844 ha. Thời gian tới, nhiều diện tích lúa Đông Xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch (hiện tại đã thu hoạch được hơn 40% diện tích); do vậy, diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán sẽ không nhiều, dự kiến khoảng 46.000 ha.

Lúa chết tràn lan ở Kiêng Giang do hạn hán và xâm nhập mặn

Đối với vụ hè thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.
 
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển, như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước, gồm: 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung và 11.000 hộ được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã (huyện Chợ Lách), nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) đổi nước ngọt sử dụng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2015-2016 là năm có mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài. Các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nước ngọt trên sông. Hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị: Chính phủ sớm xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015-2016 các tỉnh ĐBSCL với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 623 tỷ đồng. Tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trong khu vực, mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng (tổng cộng 650 tỷ đồng). Đồng thời, ưu tiên bố trí 1060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Bộ NN-PTNT, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho ĐBSCL trong thời kỳ khô hạn.

“Hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay không phải là câu chuyện nhất thời. Nhưng gì chứng kiến là dấu hiệu biến đổi khí hậu lớn hơn. Sự đe dọa với ĐBSCL là nghiệm trọng và nghiêm trọng hơn dự báo. Những gì chúng ta thấy hôm nay sẽ lặp lại nghiêm trọng hơn. Ứng phó với nó phải tính đến câu chuyện dài hạn hơn, để đảm bảo đời sống người dân và kinh tế ĐBSCL. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu sản xuất“ – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục