>> Bùn thải Formosa chôn lấp có xyanua vượt ngưỡng
>> Hà Tĩnh thiếu sót trong việc lấy mẫu phân tích chất thải của Formosa
>> Hơn 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp ở trang trại cũ của giám đốc công ty môi trường
>> Phát hiện chất thải của Formosa được chôn lấp tại công viên
>> Chất thải từ Formosa từng đổ tại bãi rác Thiên Cầm
>> Hơn 700 tấn chất thải bùn đang tồn đọng tại Formosa
>> Kết quả phân tích ban đầu chất thải Formosa chôn ở trang trại
(SGGP).- Ngày 5-8, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đơn vị đổ trái phép khoảng 95 tấn rác thải các loại của Công ty Formosa Hà Tĩnh tại khu vực mỏ đá ở địa bàn phường Kỳ Phương phải tự phân loại, bốc xúc, thu gom để vận chuyển đến địa điểm xử lý đảm bảo theo đúng quy định.
Theo một lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, số rác này được đổ từ tháng 12-2013. Khu vực tập kết rác nằm trong khuôn viên mỏ đá, rộng khoảng 70m2 do ông Nguyễn Hòa Việt làm giám đốc, vì vậy ông Việt sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ông Nguyễn Hòa Việt thừa nhận, cách đây 3 năm có xin 6 xe tải chở rác thải từ trong Công ty Formosa Hà Tĩnh về đổ trong khuôn viên mỏ đá với mục đích để tận dụng gỗ làm chất đốt. Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, ông Việt đã thuê máy móc về bốc dỡ toàn bộ số rác này và chở đến Công ty Phú Hà để xử lý…
Toàn bộ chất bùn thải nguy hại chôn lấp trái phép tại trang trại ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh đã được bốc xúc đưa về niêm phong lưu trữ chờ xử lý
Đến nay tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, cơ quan chức năng đã phát hiện 13 địa điểm đổ, tập kết rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt trái quy định, chủ yếu là của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Trong đó có 2 địa điểm là trang trại ở phường Kỳ Trinh và công viên môi trường ở phường Sông Trí có chôn lấp hàng tấn chất bùn thải công nghiệp nguy hại của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo tập trung thu gom, bốc xúc, vận chuyển số rác thải, chất thải này đưa về các địa điểm để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Liên quan vụ chôn lấp chất bùn thải của Formosa tại trang trại ở phường Kỳ Trinh, ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị (MT-ĐT) Kỳ Anh đã thừa nhận công ty đã sai khi ký hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý chất bùn bánh thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Hòa, trong nội dung ký hợp đồng với FHS ghi rõ tính chất bùn bánh thải này của FHS là thông thường chứ không nói độc hại, nguy hại. Bởi trước khi ký hợp đồng, FHS đã cung cấp cho công ty văn bản số 07/CCMT-KSON do ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh) ký ngày 18-1-2016 có nêu rõ: “Như vậy, theo kết quả phân tích thì bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than cốc từ lò cốc số 1 xưởng luyện cốc của FHS là chất thải rắn công nghiệp thông thường...”.
Ông Lê Quang Hòa cho biết, mẫu chất bùn thải được chôn lấp trái phép trong trang trại ở phường Kỳ Trinh là nguy hại vì có chứa thông số xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại thì phía FHS đã lừa công ty, vì trong hợp đồng công ty ký không có chất thải nguy hại mà chỉ có nói rõ là bùn bánh của Tổ xử lý nước thải công nghiệp FHS với tính chất thông thường. Công ty cũng không biết đó là chất bùn thải nguy hại... Với cả 2 hợp đồng mà công ty ký kết với FHS vận chuyển, xử lý bùn thải sinh hoạt và bùn thải công nghiệp với tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, công ty chưa nhận được một đồng nào từ FHS…
Báo cáo đoàn công tác Bộ LĐTB-XH do Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp làm trưởng đoàn, Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng tới việc làm của hàng vạn lao động thuộc 56 xã của 6 huyện, thị xã ven biển là Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Tổng số lao động bị mất việc làm, thất nghiệp hoặc giảm sút việc làm là 42.520 người (trong đó có 25.670 lao động trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản bị mất việc làm hoàn toàn hoặc giảm sút ngày công làm việc), chủ yếu trong lĩnh vực khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối và nhà hàng, khách sạn. Sự cố môi trường biển cũng đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của hơn 30.000 hộ gia đình. |
DƯƠNG QUANG