Hưởng ứng chủ trương kích cầu của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại đã dành ra hàng chục ngàn tỷ đồng với lãi suất (LS) rất thấp để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) theo chương trình bù LS 4%/năm. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp (DN) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động còn được bảo lãnh vay vốn không giới hạn nếu phương án SXKD hiệu quả. Chỉ riêng chương trình vay vốn bù LS sẽ tạo ra khoảng từ 500.000 – 600.000 tỷ đồng “tiếp sức” cho DN. Ngoài ra, nhiều giải pháp kích cầu khác cũng đã được triển khai như giảm - giãn - miễn thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiền cho người nghèo…
Tuy nhiên dễ thấy rằng, hầu hết các chính sách kích cầu, chống suy giảm kinh tế đều hướng đến nhà sản xuất mà chưa quan tâm đúng mức người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng đó nặng về kích cung hơn là kích cầu, nếu có kích cầu thì cũng là kích cầu gián tiếp. Về lý thuyết, bơm vốn giá rẻ sẽ giúp DN duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo ra nguồn hàng hóa giá thành thấp.
Chính sách này sẽ làm tăng cung hàng hóa giá rẻ nhưng không đồng nghĩa là sẽ làm tăng được lượng hàng bán ra. Hàng hóa giá rẻ bây giờ không còn là ưu thế của nước ta nữa. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngoài thu nhập giảm sút, người tiêu dùng còn có xu hướng thắt lưng buộc bụng hơn trước.
Hơn nữa, khi đối tượng DN được ưu tiên chủ yếu là những DN SXKD hàng hóa xuất khẩu thì hệ quả trên càng lộ rõ hơn. Hiện nay, do suy thoái kinh tế mà giá cả và cầu hàng hóa trên thế giới đều sụt giảm mạnh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta tháng 1-2009 giảm 18,6% so với tháng 12-2008 và giảm 24,2% so cùng kỳ năm trước (theo Tổng cục Thống kê). Tình cảnh xuất khẩu sa sút sẽ càng khó cải thiện trước việc chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang “sống lại” và lan rộng trên toàn cầu.
Với vấn đề cốt lõi của kích cầu là tiêu thụ sản phẩm, không những xuất khẩu gặp khó khăn mà tiêu dùng nội địa cũng đang đứng trước nguy cơ ảm đạm. Từ tháng 3-2009, giá điện sẽ tăng bình quân 8,92%, nước sạch thì thêm phí… có khả năng sẽ đẩy không ít loại hàng hóa “ăn theo”.
Xu thế này càng đặt nỗ lực kiềm chế lạm phát và kích cầu của Chính phủ vào tình thế nan giải hơn. Lúc này, lời giải cho bài toán kích cầu không thể nghiêng về phía DN nữa mà phải thiên hẳn về người tiêu dùng. Ngoài các giải pháp kích cầu tác động trực tiếp đến thu nhập của người tiêu dùng thì cần phải chú trọng vào việc ngăn chặn tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.
Muốn vậy cần củng cố và đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực và nghề nghiệp, bởi hiện tại tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của nước ta mới chỉ gần 30% và còn rất yếu về tác phong lao động chuyên nghiệp, thông số này còn thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn trong khi nơi đây chiếm 70% dân số cả nước. Thực hiện tốt việc này là một cách kích cầu bền vững, “cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn” là vậy.
THÁI HOÀNG LIÊM