Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tiến tới tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp nền - nguyên liệu phục vụ sản phẩm CNHT - do đó kỳ vọng này sẽ khó đạt được.
100% nhập khẩu
“Để sản xuất được một cái bu-lông, ốc vít hay tạo một khuôn mẫu, điều đầu tiên các doanh nghiệp (DN) sản xuất cần có là nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay 100% loại thép hợp kim phục vụ trong lĩnh vực chế tạo cơ khí hay nhựa kỹ thuật cao đều phải nhập khẩu. Muốn phát triển ngành CNHT, nhưng lại thiếu chính cái nguyên liệu để sản xuất ra nó thì đừng ảo tưởng…” - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Thịnh Nguyễn Duy Tuấn đặt vấn đề. Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Thịnh chuyên sản xuất bồn hơi phục vụ công nghiệp với doanh thu hàng năm trên dưới 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, DN phải nhập khẩu 100% thép tấm và que hàn do không thể tìm đâu ra một đơn vị cung cấp các nguyên liệu này ở trong nước.
Thép cuộn kỹ thuật cao như thế này chủ yếu do các doanh nghiệp FDI sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG
Tương tự, là một DN chuyên sản xuất khuôn mẫu, hàng năm sử dụng hàng chục tấn thép hợp kim nhưng Công ty Khuôn mẫu chính xác Lập Phúc, quận 7, TPHCM đều phải nhập khẩu 100% loại thép này do không thể tìm đâu ra nhà cung cấp trong nước. Chưa kể, đơn hàng lớn là cán bàn chải đánh răng Colgate do công ty này sản xuất cho đối tác cung cấp ra toàn cầu, nhưng 100% nhựa cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, những nguồn nguyên liệu này chiếm 30% - 50% giá thành khiến việc cạnh tranh của DN khó khăn hơn.
Theo Trưởng phòng Quản lý đầu tư Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) Trần Việt Hà, đến thời điểm này trong toàn hệ thống HEPZA không có một DN nào đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nền. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản khi đến làm ăn tại Việt Nam, họ thường “mang” theo một chuỗi nhà cung ứng nhằm đảm bảo việc sản xuất được xuyên suốt. Điều này đã làm hạn chế việc tham gia cung ứng các sản phẩm thuộc ngành CNHT của DN nội địa vào khu vực DN nước ngoài. “Không riêng HEPZA, mà toàn khu vực phía Nam, thậm chí cả nước hiện chưa có một DN nào có thể đầu tư sản xuất ngành công nghiệp nền như thép hợp kim, nhựa kỹ thuật cao… Chỉ có một số đơn vị như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khí điện đạm Cà Mau… có thể tạo ra nguyên liệu nhựa cơ bản như PP phục vụ trong các mặt hàng đơn giản như xô đựng nước, chậu giặt, rửa… nhưng sản lượng cũng rất hạn chế”, một cán bộ Sở Công thương TPHCM cho biết.
Theo Phó Trưởng đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tại TPHCM Bùi Quang Hải, hiện trong nước có một vài nhà máy luyện kim như Gang thép Thái Nguyên, nhưng cũng chủ yếu cho ra những sản phẩm đơn giản phục vụ chủ yếu trong ngành thép xây dựng. Còn toàn bộ những nhà máy chế tạo cơ khí trong cả nước phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu về để gia công, tùy từng sản phẩm. Điều này đã tạo ra rủi ro cao, cạnh tranh lớn cho các DN do giá cả nhập khẩu phụ thuộc hoàn hoàn vào phía cung cấp nguồn nguyên liệu.
Nhà nước “kéo” và “đẩy”
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư vào ngành công nghiệp nền đòi hỏi quy mô lớn, vốn nhiều. Trong khi đó, thị trường trong nước còn quá eo hẹp, lợi nhuận đầu tư vào ngành này thấp, rủi ro lại cao, nên chưa có một DN nào dám mạnh dạn đầu tư hay đủ lực để đầu tư. Chính vì vậy, ở lĩnh vực này cần có bàn tay của nhà nước. “Đối với những ngành không sinh lợi hay công cộng, nhà nước cần đầu tư từ tiền thuế của dân đóng. Từ đó, tạo ra chuỗi giá trị cho các sản phẩm như CNHT. Nếu không làm được điều này, có phát triển nền CNHT, Việt Nam cũng vẫn chỉ là nước gia công chính những sản phẩm này do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Trường Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích.
Ông Bùi Quang Hải cho rằng, nhà nước cần nhanh chóng đứng ra đầu tư ngành nguyên liệu phục vụ CNHT thông qua các tập đoàn, tổng công ty, sau đó từng bước cổ phần khi thị trường đủ lớn mạnh và tiến tới xuất khẩu. “Sau khi có DN đủ lớn đầu tư vào nguyên liệu CNHT, các DN nhỏ và vừa, tùy lĩnh vực sẽ tham gia vào các sản phẩm cuối cùng. Riêng các DN hoàn thiện sản phẩm chỉ thực hiện các khâu thiết kế, bán hàng… Có như vậy, Việt Nam mới tạo ra một sản phẩm nội địa đúng nghĩa”, ông Bùi Quang Hải phân tích.
Ở góc độ Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam, ông Phạm Chí Cường cho rằng, muốn phát triển CNHT phải bắt đầu bằng con đường chuyên nghiệp hóa, bằng việc thay đổi các trang thiết bị hiện đại để sản xuất ra các loại sản phẩm có chất lượng cao. Từ đó, nấu ra các hợp kim từ những lò hiện đại, tạo ra được mác thép hợp kim mà các nhà sản xuất CNHT yêu cầu. Mặt khác, để đáp ứng được cả về yêu cầu lẫn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và có đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định, Chính phủ phải có một chính sách thật rõ ràng cho việc phát triển CNHT trong nước. Chúng ta cần đưa ra một chiến lược tổng thể dài hạn và bền vững, chú trọng đến những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế để phát triển và đặc biệt có cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích thu hút đầu tư. Vấn đề là chủ trương đã có từ lâu nhưng khâu triển khai lại quá chậm trễ và còn rất nhiều vướng mắc. Cho nên, bài toán bao giờ Việt Nam có ngành CNHT phát triển vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
LẠC PHONG