Sau 8 năm diễn ra, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Công ty Kiết Tường tổ chức) đã thật sự là chương trình đậm bản sắc văn hóa dân tộc và khơi dậy niềm đam mê, tình yêu dành cho bộ môn cải lương cho giới trẻ. Chuông vàng vọng cổ đang bước vào mùa thi thứ 9, tiếp tục phát huy sức mạnh và uy tín của mình.
|
Những cái tên bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ như: Võ Thành Phê, Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Lê Văn Gàng, Thu Vân, Ngọc Trinh… giờ đây đều đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả yêu cải lương trên toàn quốc. Nghệ sĩ Kiều Tấn, Trưởng phòng Văn nghệ HTV nói: Chuông vàng vọng cổ đã cung cấp lực lượng chính cho các tụ điểm ca cổ, các chương trình sân khấu cải lương, các sự kiện lớn, nhất là các chương trình được tổ chức ở miền Tây Nam bộ. Tôi còn được biết, giá cát xê của các em “Chuông vàng” hầu hết đều nằm trong tốp đầu. Điều ấy chứng tỏ, các em đã phát triển được nghề, ổn định về thu nhập. Có thể nói, uy tín của chương trình Chuông vàng vọng cổ ngày càng được khẳng định”.
Bước vào mùa thứ 9, Chuông vàng vọng cổ năm nay sẽ có nhiều điều mới mẻ hơn, yếu tố chuyên môn được chú trọng nhiều hơn. 8 đêm chung kết, trong đó có 4 đêm chung kết khu vực diễn ra tại Hà Nội, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bạc Liêu và 4 đêm chung kết xếp hạng diễn ra tại Nhà hát Truyền hình HTV, đều được truyền hình trực tiếp vào lúc 20 giờ 30 tối thứ năm hàng tuần trên HTV9. Ban giám khảo của cuộc thi đều là những đạo diễn, nghệ sĩ uy tín, nổi tiếng trong nghề, sẽ theo sát các thí sinh cả 8 đêm chung kết (thay vì có sự thay đổi như các năm trước), để có thể nhìn nhận, đánh giá xuyên suốt. “Song song với cuộc thi, chương trình Ngân mãi Chuông vàng sẽ diễn ra vào 21 giờ tối chủ nhật, tuần thứ ba trong tháng và cũng được truyền hình trực tiếp. Chương trình này được xem là một sân chơi, là nơi để các nghệ sĩ trẻ có dịp trau dồi nghề nghiệp chuyên sâu, hỗ trợ các em có thêm điều kiện tập về kỹ thuật, vũ đạo và chuyên môn sân khấu, để những tài năng thật sự được tỏa sáng”, nghệ sĩ Kiều Tấn cho biết thêm.
Tôn vinh nghệ thuật cải lương, phát hiện và nâng đỡ những giọng ca, tài năng cải lương, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là những điểm nổi bật của chương trình Chuông vàng vọng cổ. Theo năm tháng, chương trình ngày càng mở rộng về phạm vi cũng như uy tín. Giờ đây, thí sinh đến với cuộc thi không còn bó hẹp ở những vùng miền phía Nam mà đã vươn rộng ra toàn quốc, đến Hà Nội, các tỉnh miền Trung. Năm nay, thí sinh ở miền Trung đặc biệt vượt trội, khiến ban tổ chức phải cân nhắc để thí sinh tại đây có thêm ưu tiên. Sau 8 năm tổ chức, nghệ sĩ Kiều Tấn đã rất tâm đắc câu “phi vọng cổ, bất thành cải lương” và không thể phủ nhận phần đóng góp đáng kể của Chuông vàng vọng cổ cho việc phát huy nghệ thuật cải lương, để bộ môn này có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là từ sau khi nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO tôn vinh.
NHƯ HOA