Hơn 10 năm qua, du lịch TPHCM gần như “giậm chân” tại chỗ, với những điểm du lịch xưa cũ, không có gì mới. Để “thay áo” cho du lịch TP, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch TP. Qua đó, chỉ ra sự yếu kém, và giải quyết bài toán bằng sự phối hợp giữa chính quyền với nhân dân, quyết đưa du lịch TP đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 10% GDP.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Mặc dù TPHCM là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, chiếm hơn 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thế nhưng, doanh thu du lịch của TP chỉ chiếm chưa đầy 40% doanh thu du lịch cả nước và chỉ đóng góp cho ngân sách TP dưới 10% GDP. Do vậy, Chỉ thị của Thành ủy TPHCM đã chỉ rõ: tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch cho tăng trưởng TP chưa tương xứng. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu để phát triển du lịch TP thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước những thách thức hội nhập, năng lực cạnh tranh của du lịch TP so với các TP khác trong khu vực còn thấp. Nguyên nhân, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch từ trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, chưa có chiến lược đồng bộ, dài hạn, chuyên nghiệp để du lịch phát triển bền vững; sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ; năng lực quản lý của nhà nước chưa theo kịp yêu cầu phát triển nhanh của thị trường và nhu cầu của xã hội… Do vậy, tiềm năng du lịch của TP chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều năm qua, du khách biết đến TPHCM với những di tích, địa danh quen thuộc như: nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh… và hầu như không có thêm sản phẩm mới.
Đến huyện Cần Giờ, du khách có thể ngồi xuồng ngắm rừng ngập mặn
Có nghĩa là tiềm năng du lịch của TP rất phong phú, mà chưa được khai thác hiệu quả. TP có sông ngòi, rừng và biển Cần Giờ, du lịch miệt vườn ở các xã nông thôn mới…, nhưng không được ngành du lịch khai thác, tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu TPHCM. Về an ninh, an toàn cho du khách vẫn chưa tốt, nạn chèo kéo, đeo bám, móc túi vẫn còn diễn ra. Hạ tầng đầu tư không đồng bộ. Công tác quảng bá, xúc tiến và phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được đầu tư đúng mức. Vai trò của doanh nghiệp du lịch không rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm, khu, tuyến, điểm du lịch. Do vậy, Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo ngành du lịch TP phải khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của TPHCM - TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình!.
Phải đa dạng sản phẩm du lịch
Để du lịch TP phát triển xứng tầm, Thành ủy TPHCM đã chỉ thị một cuộc nâng tầm và đổi mới trong quản lý, phát triển du lịch. Đó là yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền phải phối hợp đồng bộ và vận động toàn thể nhân dân cùng tham gia. Cụ thể, UBND TP phải quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2020, đóng góp của ngành du lịch cho GDP TP phải trên 11%. Đồng thời, phải quán triệt phát triển du lịch gắn với trách nhiệm và theo hướng bền vững, mang lại lợi ích toàn diện cho TP, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch liên hoàn, đồng bộ, phong phú, giá trị gia tăng cao và có thể cạnh tranh với quốc tế. TP phải chủ động “khơi thông”, liên kết du lịch với các địa phương khác để tạo ra sản phẩm liên thông. Các địa phương phải phối hợp, liên ngành xử lý các vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh tại các điểm du lịch. Xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, ăn xin, đeo bám, chèo kéo du khách. Đảm bảo phát triển bền vững, gắn việc khai thác với bảo tồn, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tổ chức lực lượng có mặt kịp thời hỗ trợ du khách trong trường hợp khẩn cấp. Kêu gọi “mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với du khách”.
Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã bàn giải pháp triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách. UBND TP sẽ tiến hành các đoàn khảo sát để kiến tạo tour mới đến vùng sông nước Cần Giờ bằng đường thủy và khai thác du lịch nông thôn, liên kết với các tỉnh, thành bạn. Giúp du khách trải nghiệm một ngày học cách nuôi trồng, ăn ngủ cùng nông dân. “Tinh thần là Sở Du lịch tổ chức hỗ trợ người dân, không cần mục tiêu lợi nhuận, mà chuyển lợi ích đó sang cho người dân được hưởng. Đấy là cách giải quyết việc làm cho bà con nông dân, đặc biệt bà con ở các xã nông thôn mới ổn định cuộc sống…”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
HÀN NI