“Mỗi năm, nạn hối lộ gây thiệt hại 1.500 - 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế và ảnh hưởng tới dịch vụ an sinh xã hội cho người nghèo”, đó là báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu khai mạc ngày 12-5 tại London (Anh). Đại diện của khoảng 40 quốc gia, các tổ chức, học giả đã tham dự hội nghị diễn ra trong một ngày này.
Kẻ thù của tiến bộ
Hội nghị do Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì với mục đích khởi động một phong trào toàn cầu thực sự để đánh bại tham nhũng. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những cam kết nhằm chấm dứt việc miễn trừ hình phạt, ngăn chặn tham nhũng, tăng quyền cho các nạn nhân và ủng hộ các nhà hoạt động chống tham nhũng. Tất cả các nỗ lực này nhằm nâng cao trình độ quản trị tốt và tính minh bạch, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bên cạnh việc nhất trí về một gói hành động chống tham nhũng, các nhà lãnh đạo chính phủ và tổ chức quốc tế dự hội nghị cũng đã thảo luận các vấn đề như bí mật công ty, minh bạch chính phủ, thực thi các luật chống tham nhũng quốc tế và củng cố các thiết chế quốc tế.
Thủ tướng Anh David Cameron (thứ 2, phải sang trái) thể hiện quyết tâm chống tham nhũng tại hội nghị
Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh, tham nhũng là kẻ thù của tiến bộ và là gốc rễ của nhiều vấn nạn của thế giới. Tham nhũng đã hủy hoại công ăn việc làm, kéo lùi tăng trưởng kinh tế, kìm kẹp những người nghèo nhất trong sự khốn khó cùng cực và làm suy yếu an ninh quốc gia, bởi nó đẩy con người tới các nhóm cực đoan. Thủ tướng Cameron thừa nhận, không thể chiến thắng tham nhũng chỉ trong một đêm, đồng thời kêu gọi thế giới dành thời gian, sự can đảm và cả quyết tâm để mang đến những thay đổi cần thiết trong cuộc chiến này. Ông cũng nói rằng, không thể hy vọng giải quyết các thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt nếu không đấu tranh quyết liệt chống sự bóc lột, gian lận và bất lương.
Củng cố luật pháp, công tác quản lý
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định, ngày càng có nhiều lãnh đạo tìm kiếm sự giúp đỡ để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Nghèo đói và thất nghiệp đều có thể là dấu hiệu của tình trạng tham nhũng kéo dài. Theo bà Lagarde, trong khi tác động trực tiếp của tham nhũng đã được biết đến từ lâu, những ảnh hưởng gián tiếp có thể còn nghiêm trọng và đáng quan ngại hơn nhiều, làm trì trệ tăng trưởng và nới rộng bất bình đẳng thu nhập.
Trước đó, IMF đã công bố một báo cáo về các tác động của tham nhũng tới nền kinh tế, khẳng định những ảnh hưởng này mang tính tiêu cực, song khó có thể tính toán cụ thể. Theo báo cáo, tiền hối lộ phục vụ mục đích mờ ám nên chúng không được luân chuyển trong nền kinh tế và do đó không giúp thúc đẩy tăng trưởng. Tham nhũng kéo dài bất ổn kinh tế, phá hoại chính sách công và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Bà Lagarde cho biết, IMF đã cung cấp hướng dẫn về các biện pháp chống tham nhũng trong chương trình hỗ trợ cho các chính phủ. Một số biện pháp đã cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại một số quốc gia bao gồm: tăng lương cho nhân viên chính phủ, thành lập các tòa án chuyên trách xét xử các vụ tham nhũng, trừng phạt các công ty có hành vi tham nhũng tại nước ngoài và thành lập các văn phòng riêng phụ trách thu thuế từ những đối tượng nộp thuế lớn. Bên cạnh đó, bà Lagarde cũng nhấn mạnh, việc củng cố luật pháp và công tác quản lý, lãnh đạo cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc chống lại vấn nạn tham nhũng.
Ngày 12-5, ABC News dẫn lời một số nhà phân tích nhận định, mặc dù các chính trị gia, nhà ngoại giao tham dự hội nghị cam kết mạnh tay với nạn hối lộ, rửa tiền, nhưng kết quả thực chất không như mong đợi khi nhiều quốc gia không cam kết thực hiện các biện pháp cứng rắn như Thủ tướng Anh David Cameron đề xuất. Ví dụ, chỉ có 6 nước, trong đó có Anh, Nigeria, Afghanistan, cam kết công khai thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty có trụ sở tại những quốc gia trên. Trong khi, đây lại là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa nạn tham nhũng. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)