Cuộc bầu chọn VĐV thể thao tiêu biểu năm 2012 đã vinh danh Phan Thị Hà Thanh, cô gái vàng của môn thể dục dụng cụ. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Thanh nhận được vinh dự này. Với giới thể thao Việt Nam, đấy không phải là điều bất ngờ.
Nhưng, đằng sau sự lấp lánh của vinh quang ấy là một câu chuyện nhiều trăn trở. Kể từ sau lần đoạt chiếc vé chính thức dự Olympic đầu tiên cùng với chiếc HCĐ thế giới, thành tích giúp cô thắng cuộc bầu chọn 2011 đến nay, quá trình đầu tư cho một tài năng như Hà Thanh không có gì thay đổi. Cô vẫn tập luyện với những thiết bị quá cũ, có tuổi đời hàng thập kỷ và không được đưa đi tập huấn nước ngoài.
Cô gái người Hải Phòng ấy cũng chưa nhận được sự đãi ngộ đặc biệt nào, ấy vậy mà 2 năm qua, Hà Thanh vẫn liên tục đem về cho đất nước những thành tích được xem là vô tiền khoáng hậu, “chinh chiến” từ SEA Games đến Olympic London và giải vô địch châu Á. Vậy mà chưa bao giờ Hà Thanh nói về mình. Không than vãn, không đòi hỏi, chỉ thấy ở cô những giọt mồ hôi và khát khao thi đấu, những tấm huy chương làm rạng danh thể thao nước nhà và sự chấp nhận những gì đang có.
Cũng trong cuộc bầu chọn mà Hà Thanh được vinh danh, không hề có cái tên nào đến từ bóng đá, môn thể thao “vua” từ sự hâm mộ đến tiền bạc. Năm 2012 thật sự là một điểm đen trong lịch sử bóng đá nước nhà với vô số những biến cố buồn, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý xã hội, tạo nên một sự thất vọng lớn lao trong đời sống tinh thần của người hâm mộ.
Thất bại tại AFF Cup 2012 chỉ là một ví dụ cụ thể chứ chưa nói hết được nỗi cay đắng mà bóng đá đã đem đến cho người hâm mộ. Bóng đá đã nhận được quá nhiều ưu đãi, tạo ra một khoảng cách vời vợi so với những gì mà nhà nước đang đầu tư cho một tài năng như Phan Thị Hà Thanh. Thế nhưng, khi mà trong khó khăn, những VĐV như Hà Thanh vẫn vươn lên, chiến thắng chính mình và gặt hái vinh quang thì bóng đá lại là một ví dụ tiêu biểu khác cho cách đầu tư thiếu chiều sâu của thể thao Việt Nam. Không phải lúc nào đầu tư cũng tỷ lệ thuận với thành tích nếu không có nỗ lực của chính các VĐV.
Nói không ngoa, chính câu chuyện của Hà Thanh đem lại cho thể thao Việt Nam năm 2012 điểm sáng để che bớt mảng tối về bóng đá. Đấy cũng là tia hy vọng cho thể thao nước nhà năm 2013. Ở đó, chúng ta thấy khát vọng cống hiến ở mỗi VĐV mới là điều cốt lõi. Ở đó, chúng ta thấy những nhà quản lý phải có thay đổi về tư duy trong cách đầu tư cho thể thao đỉnh cao là cần phải có trọng tâm, đặt cao giá trị chuyên môn hơn là những sự dàn trải, hào nhoáng, chạy theo thành tích. Tự thân bóng đá không tạo nên những khoảng cách so với các môn như thể dục, cầu lông… mà chính những nhà quản lý, với sự quan liêu, hời hợt của mình đã mãi chạy theo các giá trị ảo để hụt hẫng khi nhìn những điều cốt lõi bị bỏ lại quá xa.
Năm 2012 sắp qua, năm 2013 sẽ vô cùng bận bịu khi có SEA Games 27 vào cuối năm. Câu chuyện về Hà Thanh và bóng đá dù đem lại nhiều nỗi buồn song cũng là một bài học hữu ích để thể thao Việt Nam có sự lạc quan hơn nếu biết cách khơi gợi khát vọng cống hiến ở mỗi VĐV.
Đăng Linh