Mặc đẹp, sáng tạo những ly nước sặc sỡ nhiều màu sắc và nhận mức lương khá là công việc mà người ta thường hình dung khi nghĩ đến những người làm bartender (người pha chế). Tuy nhiên để học và trụ được với nghề không ít bạn trẻ đã phải đổ mồ hôi, nước mắt.
- Vào đời với tấm bằng miễn phí
Có công việc ổn định cùng thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng đến bây giờ Nguyễn Thanh Sang cũng không tin vào những thứ mình đang có. Xuất phát điểm từ một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, 20 tuổi đời của Sang là một chuỗi ngày cố gắng vươn lên. “Em nghe mang máng rằng được sinh ra ở Bình Dương, cha mẹ vào tù, em phải vào sống ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Được hơn 10 năm thì chuyển lên Làng thiếu niên Thủ Đức. May mắn là em vẫn được ăn được học đầy đủ”, Sang bồi hồi kể về cuộc đời của mình.
Tốt nghiệp THPT, Sang đăng ký dự thi ĐH nhưng không đậu. Được một người bạn cho biết về một lớp dạy bartender miễn phí, Sang vội đăng ký và may mắn được chọn. Nhờ yêu thích, lại dành hết thời gian cho những buổi học, cuối khóa, Sang tốt nghiệp và xếp hạng 8/100 bạn học viên. Sang nhanh chóng được nhận vào làm tại một quán cà phê ở quận 10 với mức lương 3,5 triệu đồng, rồi xin chuyển về nhà hàng ở Thủ Đức với mức lương cao hơn mà lại gần nhà. Không những thế, Sang còn được đề bạt vào vị trí quản lý hầm rượu và quầy pha chế nước của nhà hàng. “Chắc khoảng vài năm nữa em sẽ hùn vốn với vài người bạn để mở một quán nước nho nhỏ. Với kinh nghiệm làm việc hiện nay, em nghĩ mình đủ sức để làm”, Sang chia sẻ.
- Cơ hội cho những ai đam mê
Khác với Sang, Đại Ngọc Yến đến với nghề bartender hoàn toàn xa lạ. Học xong lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Yến quyết định không học tiếp mà tìm việc làm để phụ giúp thêm gia đình. Trong một lần lang thang trên mạng cô tình cờ biết thông tin về chương trình Khởi nghiệp bartender, dạy nghề miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Yến tâm sự: “Thấy dạy nghề miễn phí thì em đăng ký chứ thực sự cũng chưa biết bartender là gì. Chỉ biết nếu học xong em sẽ có cái bằng xin việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
Bên cạnh học các kỹ năng nghề nghiệp, Yến và các bạn còn được các thầy hướng dẫn cách ứng xử, định hướng công việc sau này. “Lúc học tùy tính cách từng người mà các thầy định hướng nên tập trung vào công việc gì. Thú thật em ghét nhất là phần học về cà phê máy, phần vì khó, phần vì lương không nhiều nhưng các thầy điều khuyên nếu muốn có một công việc ổn định thì nên đi theo hướng này. Nếu làm bar rượu tuy mức thu nhập cao hơn nhưng môi trường không ổn định và nhiều cám dỗ”, Yến nhớ lại.
Đến lúc học xong, Yến vẫn không nghĩ mình sẽ yêu và gắn bó lâu với nghề. Yến kể: “Mọi chuyện thay đổi trong lần gặp một du khách tại quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ. Thấy vị khách có chuyện buồn, em làm cho cô ấy một ly cà phê vẽ hình gấu. Nhận ly cà phê cô ấy rất vui và gặp em để cám ơn. Lúc đó em mới hiểu những điều các thầy nói trong trường. Những ly sinh tố, cà phê mình làm ra cũng có thể mang đến niềm vui cho người khác”. Sau hơn 1 năm, Yến ngày càng đam mê nghề vì cái mới luôn nối tiếp và cơ hội học hỏi luôn mở ra trước mắt. Khi trở thành một người pha chế thạo thì cô được chuyển sang làm quản lý, hướng dẫn lại cho các bạn mới. Yến cho biết: “Xuất phát điểm của nghề khá đơn giản, chỉ với một khóa đào tạo 3 tháng bạn đã có thể đi làm với mức lương tầm 3 triệu đồng. Cơ hội luôn mở ra cho những ai đam mê thật sự và có tinh thần cầu tiến”.
NGUYỄN NAM
Nghề thời thượng giới trẻ Cùng với xu hướng phát triển nhà hàng khách sạn, quán cà phê ngày càng nhiều thì nhu cầu tuyển dụng nhân sự bartender cũng theo đó phát triển, và đây thực sự là một nghề được đánh giá là “hot” trong giới trẻ hiện nay. “Khởi nghiệp bartender” là khóa học miễn phí do Công ty Pernod Ricard Việt Nam tổ chức nhằm trang bị cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn những kỹ năng, kiến thức về nghề bartender. Bắt đầu năm 2011, đã có gần 100 em được đào tạo nghề miễn phí và tìm được công việc ổn định. Năm nay, chương trình kết hợp với Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ tiếp tục đào tạo cho 100 thanh niên khác. Phần lớn là các em tại mái ấm nhà mở, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.