
Khác với những buổi tọa đàm về văn học nghệ thuật mang màu sắc đương đại, chương trình Cà phê Thứ bảy (ngày 17-7, do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì) đã mời GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trình bày những kinh nghiệm quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Hoa Kỳ. Dịp này, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về các sự kiện âm nhạc truyền thống Việt Nam nổi bật trong tháng 7, đang được giới âm nhạc và công chúng quan tâm.
GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trong chuyến đi nghiên cứu âm nhạc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
- Phóng viên: Thưa Giáo sư, được biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang giao Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở VH-TT-DL TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, xây dựng hồ sơ khoa học về đờn ca tài tử để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Dự án quan trọng này sẽ có sự tham gia của ông?
GS-TS NGUYỄN THUYẾT PHONG: Vâng, tôi rất hân hạnh khi được ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa chính thức mời tham gia dự án này. Còn chúng tôi đóng góp công việc gì trong việc lập hồ sơ đờn ca tài tử sẽ tùy thuộc yêu cầu của Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở VH-TT-DL TPHCM.
Trước mắt, theo tôi dự án còn rất nhiều thử thách: đờn ca tài tử Nam bộ đang có nguy cơ mất dần vì ảnh hưởng của cải lương, ảnh hưởng của kiểu cách đờn ca tân cổ giao duyên quá đậm nét trong nhịp điệu lẫn cách thức trình bày. Ngày xưa, những người đờn và ca tài tử biểu diễn bên cạnh bộ ván ngựa hay salon trong phòng khách. Nhạc cụ được chơi “đúng chuẩn” là đàn tranh, kìm, cò, tỳ bà, gáo, độc huyền, sáo, tiêu. Ngày nay, đi tìm không gian âm nhạc đờn ca tài tử trên sân khấu hoành tráng như sân khấu nhạc pop, rock hay đờn ca tài tử trong không gian lễ hội du lịch sẽ không đúng với ý nghĩa của nó.
Điều này cho thấy chúng ta phải cân nhắc thật kỹ trong việc đi tìm nghệ nhân, nghệ sĩ, bài bản, nhạc mục, phong cách đờn, phong cách ca… đúng như tính chất “nhạc thính phòng nguyên thủy”. Do nhu cầu thưởng thức, người nghe có thể nhiều hơn, đông hơn ngày xưa nhưng vẫn cần phải khôi phục không gian âm nhạc thính phòng dành cho đờn ca tài tử.
Hiện tại ở TPHCM, người còn sót lại về “đờn ca tài tử nguyên bản” là nhạc sư Vĩnh Bảo (93 tuổi); trẻ hơn có nhạc sĩ Ba Tu… Tất nhiên, vẫn còn một số nghệ sĩ, nghệ nhân khác chúng ta chưa được biết và cần phải đi tìm.
- So với ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử vẫn trẻ hơn. Liệu với độ tuổi hơn 100 năm có đủ đạt tiêu chuẩn tầm văn hóa phi vật thể thế giới không?
Theo tôi, vấn đề này không quá nhất thiết căn cứ vào thời gian hay tuổi đời của lịch sử âm nhạc mà căn cứ vào chất lượng, vào hệ thống âm nhạc. Hệ thống âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ rất đặc biệt, trong đó chúng ta thấy rõ, mặc dù ra đời chỉ hơn 100 năm qua nhưng nó là sự tích tụ, là trải nghiệm âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam của cả 1.000 năm. Chính vì thế, nó có sức mạnh rất lạ lùng: trong sự thể hiện có những quy định rất cụ thể, rõ ràng; lý thuyết truyền khẩu chặt chẽ, cô đọng nhiều truyền thống trong quá khứ. Ở đây, vấn đề đáng quan tâm là chúng ta phải lên tiếng khôi phục, giữ gìn di sản văn hóa quý giá có thể bị mai một. Và, nếu được khôi phục, chúng ta phải cam kết bảo tồn đờn ca tài tử.
- Nhân sự kiện hội nghị của Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế đang diễn ra ở Hà Nội và Quảng Ninh (từ 19 đến 29-7), ông có ý kiến gì về cuộc gặp gỡ của những người nghiên cứu âm nhạc truyền thống?
Việc Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế (International Council for Traditional Music - ICTM) tổ chức hội thảo ở Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng để chúng ta có cơ hội quảng bá và học tập, đúc kết một số kinh nghiệm nghiên cứu, giữ gìn, bảo tồn âm nhạc cổ truyền. Ngoài ra, Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế còn có vai trò tư vấn cho UNESCO thẩm định hồ sơ văn hóa phi vật thể.
Việt Nam là một đất nước cởi mở, hiếu khách, với 54 cộng đồng dân tộc, thực ra đã gợi nguồn cảm hứng và sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Dân tộc nhạc học thế giới. Hội thảo gồm hai nội dung chuyên đề Âm nhạc các dân tộc thiểu số và Dân tộc nhạc học ứng dụng.
Với tư cách khách mời, theo tôi được biết có một số tham luận đặt ra những vấn đề khá lý thú, bổ ích cho ngành Dân tộc nhạc học Việt Nam. Chẳng hạn, vấn đề âm nhạc thiểu số với giới trẻ; việc áp dụng năng khiếu dân tộc nhạc học trong các lĩnh vực ngành nghề: giáo dục, xã hội học, cơ quan truyền thông…
- Xin cảm ơn Giáo sư.
* Nhạc thính phòng là một thể loại nhạc gồm các bài hát hoặc bản đàn được biểu diễn trong phòng khách tại tư gia hay trong một phòng nhỏ. Âm nhạc thính phòng Việt Nam bao gồm ca trù, ca Huế và đờn ca tài tử, phát triển mạnh từ đầu thế kỷ thứ 20. Điểm khác biệt chính yếu giữa nhạc thính phòng Việt Nam và dân ca Việt Nam là: nhạc thính phòng gồm những tác phẩm (có khi được ký âm) và người trình diễn cũng như người thưởng thức phải được huấn luyện để có thể sử dụng các nhạc cụ, trình bày tác phẩm, cũng như hiểu biết về thi ca; trong khi dân ca mang tính cách tự phát, tự diễn trong lúc lao động hoặc giải trí. Đờn ca tài tử (còn gọi là nhạc tài tử) được phát triển chủ yếu tại miền Nam. |
Kim Ửng