Khôi phục sản xuất khi lũ cầm chân

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên xuống nhanh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến ngày 10-11, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống. Nước đang rút, việc nhanh chóng giúp người dân khôi phục sản xuất sau lũ trở nên cấp bách, nhất là xuống giống vụ lúa đông xuân, vụ lúa chủ lực tạo ra nguồn lúa gạo hàng hóa cung ứng cho xuất khẩu. Dự kiến vụ đông xuân 2011-2012, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,56 triệu ha lúa, sản lượng lúa khoảng 10,55 triệu tấn.

Theo Bộ NN-PTNT, tháng 11-2011 là khoảng thời gian tốt nhất cần tranh thủ xuống giống lúa đông xuân, cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao hơn xuống giống trong tháng 12. Lũ lớn đã gây nhiều thiệt hại, nhưng mặt tích cực của nó là đã rửa trôi các hóa chất độc hại và mang đến nhiều phù sa cho đồng ruộng. Tuy nhiên, để đạt được khung thời gian xuống giống trong tháng 11, nhiều thách thức đang đặt ra.

Tại một số vùng sản xuất của các tỉnh đầu nguồn bị ngập lũ, ước tính diện tích phải bơm tát để xuống giống lúa khoảng 400.000ha. Trong khi đó, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thường biến động vào cuối năm, nhất là đầu vụ lúa đông xuân, nguồn cung ứng lúa giống thường thiếu hụt do khả năng sản xuất giống trong vụ thu đông trước đó bị hạn chế. Giải quyết vấn đề này, các địa phương cần liên kết hỗ trợ thông tin để chia sẻ nguồn lúa giống, Chính phủ sớm có giải pháp điều hành nguồn cung, bình ổn giá mặt hàng phân bón, tránh xảy ra sốt giá như mọi năm.

Song, nhiều cơ hội đang mở ra cho nông dân ĐBSCL trong vụ lúa đông xuân năm nay. Bởi không ít chủ trương đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang đi vào đời sống; xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, tạo đà cho việc đầu tư canh tác lúa đông xuân 2011-2012. Rõ nhất là cơ cấu giống lúa đang dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, năng suất bình quân gia tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở cả trong và ngoài nước. Các chương trình “cánh đồng mẫu lớn”, “ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP” đang dần phát huy tác dụng, kích thích nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tham gia. Trong đó, nhân tố chính là lợi nhuận trong sản xuất lúa đang đạt mức cao, nông dân có tích lũy, nguồn lực tái sản xuất mạnh lên.

Áp lực lớn nhất hiện nay là giúp nông dân tranh thủ xuống giống lúa trong tháng 11. Nếu xuống giống trễ sẽ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ. Theo đó, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân 2011-2012 các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre khoảng 620.000ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng. Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất khoảng 100.000ha, chiếm 16% diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên. Theo phân tích của một số nhà khoa học, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì quy luật: lũ lớn, “đáp số” hạn - mặn nhỏ đang thay đổi. Theo đó, lũ lớn vẫn xảy ra hạn lớn và nước mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt hơn.

Như vậy, vấn đề đặt ra cho vụ lúa đông xuân ĐBSCL chính là giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay khi nước lũ còn cầm chân. Nhiều địa phương trong vùng kiến nghị, Chính phủ cần sớm hỗ trợ tiền bơm, rút nước khỏi đồng ruộng để xuống giống đúng khung thời vụ. Vừa qua, cách xử lý khoản kinh phí hỗ trợ cho nông dân sản xuất lúa vụ 3 (chủ yếu đầu tư xây dựng đê bao) còn chậm so với kiến nghị của Bộ NN-PTNT đặt ra trước vụ sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cách xử lý tiền hỗ trợ bơm rút nước cũng phải linh động. Địa phương không thể đến từng nông hộ để tính toán mà hỗ trợ kinh phí hay nhiên liệu, cần có cơ chế quyết toán trên quy mô bơm rút nước theo các vùng đê bao. Đây cũng là đề xuất đáng để xem xét, giúp nông dân ĐBSCL nhanh chóng bắt tay khôi phục sản xuất ngay khi nước lũ còn cầm chân, cũng là giải pháp “né hạn - mặn” vào cuối vụ.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục