Với kỷ lục về số lượng huy chương vàng trong lịch sử đại hội, vượt xa so với chỉ tiêu ban đầu, SEA Games 31 chắc chắn là đại hội khu vực thành công nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam. Nhưng chỉ nói về các con số, thì chưa thấy được hết nỗ lực “cùng tỏa sáng” của các vận động viên và lãnh đạo đoàn.
Mới gần một năm trước, Việt Nam thậm chí còn phải đối diện với câu hỏi “Tổ chức hay không?”. Đăng cai một đại hội thể thao với quy mô lên đến cả vạn người, trải rộng trên 12 địa phương khác nhau, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng kể cả khi Việt Nam đã có sẵn cơ sở vật chất từ SEA Games 2003.
Vấn đề nằm ở nguồn lực tài chính và con người liệu có đủ để chúng ta tổ chức thành công hay không? Việc cân nhắc “bỏ SEA Games” là rất thực tế, bởi ở thời điểm đó, đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngân sách phải ưu tiên tối đa phòng chống dịch, còn nền thể thao bị “đóng băng”. Nếu tổ chức mà không tốt, thì đấy là sự lãng phí lớn bởi phải ít nhất hơn thập niên nữa, Việt Nam mới có thể đăng cai trở lại. Nhưng quyết tâm của Đảng và Nhà nước đã như một lời hiệu triệu và cả dân tộc đều sẵn sàng để SEA Games 31 diễn ra thành công. Từ những khán đài đầy ắp người, đến các sự kiện văn hóa - du lịch được tổ chức quanh các địa điểm thi đấu, có thể khẳng định, Việt Nam đã có một kỳ đăng cai trọn vẹn trên mọi góc độ.
Trong thời điểm khó khăn nhất, chúng ta vẫn dành cho đại hội những gì tốt nhất. Điều đó, đã khôi phục vị thế của SEA Games, khẳng định tầm quan trọng về thể thao, du lịch và giao thoa văn hóa của sự kiện này trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã không tổ chức SEA Games theo kiểu “làm nghĩa vụ”, mà chúng ta, bằng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, đã làm cho SEA Games 31 “tỏa sáng” thực sự.
SEA Games 31 đã khép lại, nhưng nguồn năng lượng sự kiện tạo ra là hết sức ý nghĩa. Truyền thông thế giới đều dành những lời lẽ trân trọng nhất để chúc mừng đại hội, xem đây là hình mẫu của một quốc gia đã đối diện và vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19. Bạn bè Đông Nam Á cảm nhận được sự ấm áp, thân thiện, công bằng từ nước chủ nhà và đặc biệt là từ người hâm mộ.
Ngay chính những người làm thể thao Việt Nam cũng không thể hình dung được sự tiến bộ về mặt thành tích của chính các VĐV. Phần lớn họ đều chỉ tập luyện nội bộ nhưng khi thi đấu, khao khát chiến thắng mãnh liệt đã đem về những kỷ lục và các cột mốc khó tin. Điều đó tạo ra một niềm tin vô cùng lớn để thể thao Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển đẳng cấp lên tầm châu Á và Olympic. Từ SEA Games 31, chúng ta nhìn thấy nội lực mạnh mẽ của mình, dự địa thành tích vẫn còn lớn và không thiếu tài năng thể thao ở nhiều nội dung.
Và cuối cùng, SEA Games 31 cũng là tạo ra một nguồn cảm hứng cho thể thao Đông Nam Á trong nỗ lực chuyên biệt hơn các môn thi đấu Olympic. Kết quả tại SEA Games 31 của các VĐV vẫn còn ở khoảng cách xa nếu so với châu lục và thế giới, nhưng rõ ràng, nếu giữ được vị thế của SEA Games, duy trì khao khát thành công ở mỗi kỳ đại hội, thì đấy sẽ là một đấu trường vun đắp cho tài năng thể thao khu vực những giấc mơ lớn hơn.