
Về miền Trung, tôi đi qua những làng biển, gặp nhiều ngư dân vay vốn đánh bắt xa bờ để đóng mới hoặc nâng cấp tàu thuyền nhưng làm ăn không hiệu quả, phải neo tàu nơi bến sông rồi thở dài ngao ngán bởi nợ nần. Thế nhưng đến làng biển cù lao thôn Mỹ Tân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì khác. Ngư dân nơi đây đã sớm tiếp thu và mạnh dạn chuyển đổi ngư trường và nghề đánh bắt để vượt qua nghèo khó vươn lên làm giàu. Cù lao Mỹ Tân bây giờ trở thành làng câu mực nồng vôi quy mô nhất của miền Trung….
- Đột phá về ngư trường và nghề đánh bắt
Vượt qua trảng cát dài, đập vào mắt chúng tôi là làng biển với những ngôi nhà ngói, nhà lầu san sát. Ngư dân Võ Thanh Thìn người mướt mồ hôi đang vừa chuyển đá cây xuống tàu vừa tâm sự nói: “ Mùa biển mà, bận rộn lắm. Cứ sau mỗi chuyến ra khơi trở về khuân mực lên bờ là lo tập kết đá cây, gạo, xăng dầu xuống tàu đi chuyến khác”. Theo anh ra bến, trước mắt tôi, cả một khúc sông dài với những con tàu công suất từ 60 - 120 CV, phía trên có gắn khung phơi bằng gỗ neo san sát.

Người dân Cù lao Mỹ Tân với những vụ mực thắng lợi. Ảnh: QUANG ANH
Từ trong những khoang thuyền, ngư dân cùng nhau khuân những bao tải chứa đầy mực lên bờ. Những con mực nồng vôi hong qua vài con nắng trở màu tim tím của chất mồ hôi, công sức mà cũng là quà tặng của biển khơi.
Anh Võ Lung một ngư dân lâu năm ở đây cho biết: Có được con mực nồng vôi là cả một câu chuyện dài. 15 năm trước, cù lao Mỹ Tân - doi đất nhỏ nơi hạ lưu con sông Trà Bồng này nghèo khó cứ bám riết.
Thế rồi, những người tha phương kiếm sống bằng cách đi bạn cho những chiếc tàu câu mực ở Đà Nẵng nhận thấy đây là một hướng đi mới có thể xóa đi cảnh nghèo đói. Sau vài năm tích cóp tiền của, họ trở về quê vận động bà con đóng tàu chuyển từ nghề mành đèn, lưới hai sang câu mực nồng vôi xuất khẩu với những lèo biển kéo dài từ 15 - 30 ngày.
Từ một chiếc tàu được đóng mới qua một mùa biển lại có thêm hai, ba chiếc tàu được đóng mới. Bây giờ, cù lao Mỹ Tân có trên 120 tàu thuyền (với vốn đầu tư đóng mới từ 400 - 800 triệu đồng) đủ sức vượt biển khơi mênh mông đi đánh bắt mực nồng vôi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tư – trưởng thôn nhẩm tính: Năm 2002,, ngư dân toàn thôn đánh bắt được 1.600 tấn mực, năm 2003: 2000 tấn mực. Với giá bán tại thôn từ 20 – 30 ngàn đồng/kg, ngư dân trong làng thu được bạc tỷ. Con mực nồng vôi còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trên bờ. Đàn ông, trai tráng ra khơi câu mực, đàn bà con gái lo phân loại, sơ chế, dồn bao đem xuất khẩu sang Trung Quốc. Có tiền của ngư dân cải hoán hoặc nâng cấp tàu thuyền vươn ra khơi xa hoặc xây nhà mua sắm tiện nghi vật dụng.
- Còn đó bao nỗi lo…
Biển rất giàu, nhưng cũng đầy bất trắc. Cuối tháng 12-1991, chỉ một cơn lốc biển cả thôn có 77 đàn ông trai tráng ra đi không về. Rồi năm nào, làng chài cũng có người bị mất tích trên biển. Chỉ tính từ đầu năm 2004 đến nay, làng lại có thêm 4 thanh niên mất tích do lạc thúng trên biển. Cứ mỗi lần tai họa giáng xuống, dân chài trong làng lại rộng mở vòng tay.
Chị Lê Thị Muôn chồng mất năm 1991 khi chị mới 34 tuổi và con gái út Nguyễn Thị Thương còn chưa ra đời. Chị kể: “Sau khi chồng tui mất, mấy anh đi cùng thuyền nhưng may sống sót bèn bảo nhau cứ sau mỗi chuyến đi đều giúp đỡ bằng 1 phần mực như hồi ảnh còn sống trong một năm”.
Thực ra, trước khi có sự giúp đỡ bằng những phần mực, từ lâu lắm rồi làng chài Mỹ Tân đã có mỹ tục lưới gởi. Khi gia đình có người thân đi biển bị chết thì gia đình này mua một tấm lưới gởi cho bạn chài mang ra khơi bủa cho mà không phải đóng chi phí nào để giúp họ có kế sinh sống và khi con cái lớn lên nếu chọn nghề đi khơi thì bạn chài lại cho lên chiếc tàu mà ngày trước cha của người đó đã từng tham gia đánh bắt.
Còn chị Nguyễn Thị Bền, Chủ tịch Hội Phụ nữ của xã Bình Chánh nói: “Ở làng chài, vai trò người đàn ông rất quan trọng, bởi chỉ họ mới có thể ra khơi câu mực được. Khi họ chẳng may mất đi, gánh nặng sẽ đổ dồn trên đôi vai phụ nữ. Biết vậy, nên Hội đã lập dự án vay vốn để chị em có vốn làm nghề buôn bán nhỏ đắp đổi qua ngày…”.
Ngư dân Nguyễn Hạnh tâm sự: “Với nghề đi biển, chuyện máy móc bị hư trên biển hoặc lạc thúng trong lúc đi câu là chuyện không hiếm và luôn là nỗi ám ảnh của dân chài. Thế cho nên ở biển khi nghe có tín hiệu cấp cứu trong vùng tàu mình đánh bắt là ngay lập tức chúng tôi triển khai ứng cứu liền. Bên cạnh đó, chúng tôi thường rủ vài ba chiếc tàu cùng đi câu mực ở các tọa độ gần nhau để có gì xảy ra thì cùng nhau tìm cách đối phó.”.
Bên cạnh chuyện sóng to, gió lớn hay máy móc hư hỏng trên biển rất nguy hiểm, chuyện phơi mực trên biển là vấn đề nan giải vô cùng. Ngư dân Nguyễn Lợi nhà ở ngay bến Dòm nói: “Con mực đánh được phải thức đêm, đối diện với sóng gió khổ lắm. Thế nhưng, nhiều khi mực câu tuy đã được xẻ phơi trên dàn nhưng chỉ cần một cơn mưa dông là phải quăng tất cả xuống biển. Ông ao ước, giá như ai đó chế tạo được những lò sấy mini mang theo ra biển để sấy phơi khi gặp mưa thì đỡ biết mấy mà chất lượng con mực xuất khẩu cũng khá hơn.
VÕ QUÍ CẦU – QUANG ANH