Xã Tơ Tung, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) là quê hương của anh hùng Đinh Núp, người con của núi rừng Tây Nguyên đã đi vào huyền thoại. Tọa lạc ở một thung lũng nghèo khó, dân cư thưa thớt, vài năm trở lại đây, Tơ Tung đã thay sắc mới. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông mình, thế hệ con cháu người Ba Na hôm nay đang từng bước vươn lên ngay trên vùng đất cách mạng.
Huyền thoại làng Stơr
Từ phố núi Pleiku, xuôi theo quốc lộ 19 chừng 70km thì đến địa phận xã An Thành, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai). Đi theo đường Trường Sơn Đông phủ nhựa phẳng lì gần 10km nữa khách bộ hành đến được làng Stơr. Mùa này, bà con đang chuẩn bị cấy lúa. Trên những đám ruộng thẳng cánh cò bay, đám thanh niên Ba Na lực lưỡng đang điều khiển những chiếc máy bừa chạy xình xịch trên đồng.
Theo tài liệu lưu lại tại địa phương, làng Stơr còn có tên gọi khác là làng Kông Hoa, nơi người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên - Đinh Núp cất tiếng khóc chào đời. Lớn lên trong thời Pháp thuộc, Đinh Núp ý thức được sự hà hiếp của thực dân Pháp đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tháng 7-1950, Pháp ồ ạt đánh vào làng Stơr, chúng ức hiếp và dồn hết đồng bào Ba Na ra đường 19 để dễ cai quản. Nhiều cuộc chống trả nhỏ lẻ của bà con đã bị chúng dập tắt. Đúng lúc này, Đinh Núp nảy ra ý định kêu gọi tất cả đoàn kết lập nên Đội du kích Stơr, rút khỏi đường 19, lên núi lập căn cứ để trường kỳ kháng chiến. Từ đây đã diễn ra trận đánh ác liệt của đội du kích Stơr do Anh hùng Đinh Núp làm đội trưởng, tiêu diệt nhiều lính Pháp, bẻ gãy xương sống chiến dịch bành trướng thế lực ở Tây Nguyên của địch.
Nằm giữa trung tâm xã Tơ Tung, sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, di tích lịch sử văn hóa, khang trang và xinh đẹp, trở thành điểm nhấn của Tơ Tung. Vào tham quan nhà lưu niệm, qua các mô hình thu nhỏ, du khách sẽ gặp núi Kông Hoa hùng vĩ, dọc ngang là hầm chông, bẫy đá. Du kích địa phương năm xưa mang cung, bẫy chông từng làm kẻ thù kinh hoàng; gặp cây xoài đầu làng như một chứng nhân lịch sử, nơi Anh hùng Núp dùng ná bắn thằng giặc Pháp đầu tiên để xem có chảy máu không. Trong nhà lưu niệm còn có hàng chục chiếc chiêng đực, chiêng cái, các loại kèn, loại đàn, bảo chứng cho sự đậm đà văn hóa truyền thống của cộng đồng Ba Na vùng Đông Trường Sơn... Cũng ở nơi này, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên, tác phẩm mang đậm chất sử thi hào hùng, kiên trung của các dân tộc Tây Nguyên trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhớ lại những ngày theo Anh hùng Núp vót chông đánh giặc, già làng Đinh Yom, đã tròn trèm 80 mùa rẫy, nguyên Xã đội trưởng xã Tơ Tung, kể: “Thời đó làng Stơr mình đói khổ lắm, ăn củ mì, đốt cỏ tranh thay muối để ăn với lá rừng. Nhưng căm thù giặc, lũ làng ai cũng theo anh Núp đánh Pháp, không ngại gian khổ. Trong kháng chiến, vùng đất này là cái nôi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, đội du kích của anh Núp đi khắp các làng đồng bào dân tộc thiểu số vận động giúp đỡ cách mạng, tổ chức đánh giặc”.
Khởi sắc quê hương cách mạng
Kiên cường, anh dũng trong kháng chiến là thế, trong thời bình, người dân làng Stơr cũng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương trở thành điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Nông Thị Danh, Chủ tịch UBMTTQ xã Tơ Tung, cho biết, toàn xã có 1.150 hộ (với hơn 5.000 khẩu), gồm 10 dân tộc anh em chung sống ở 16 thôn, làng, trong đó người Ba Na chiếm gần 60%. Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài cây lúa nước, bà con còn trồng bắp lai, mì cao sản, mía, đậu… và chăm sóc rừng. Hầu hết các loại giống đều được sự hỗ trợ của nhà nước, 110 hộ đã xây dựng nhà theo Chương trình 134, còn 133 hộ nhà tranh tre nứa lá đang tiếp tục được hỗ trợ làm mới. Chương trình 135 đã tạo bước đột phá mang yếu tố bền vững trong quá trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chỉ tính riêng mức đầu tư của chương trình cho xã trong giai đoạn 2 (2006 - 2010) là 5,6 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống thiết thực của người dân. Hàng chục cây số đường giao thông từ trung tâm xã về đến các thôn, làng được làm mới và nâng cấp, đảm bảo đi lại thuận lợi cả trong 2 mùa mưa, nắng. Các hạng mục công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới cũng đã dần được hoàn thiện đảm bảo tưới tiêu cho gần cả ngàn hécta lúa và hoa màu. Rồi công trình điện thắp sáng đã được mắc đến từng hộ ở tất cả các buôn làng... Bên cạnh sự thành công về kinh tế, lĩnh vực văn hóa cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Nhiều năm liền, Tơ Tung được nhận bằng khen của trung ương và tỉnh về thành tích bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa. Hiện, toàn xã có 4 làng văn hóa cấp tỉnh, 5 làng văn hóa cấp huyện và đang đề nghị xét thêm 4 làng nữa. Đội văn nghệ của xã đã trở nên nổi tiếng vì được mời tham gia Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009.
Tạm biệt Tơ Tung, chúng tôi như thấy trước mắt mình hình ảnh cả làng Kông Hoa ngày nào rửa sạch tay cung, tay mác để lái máy cày, thoăn thoắt gặt lúa, dệt thổ cẩm... Tơ Tung đã dần hiện rõ hình hài của nông thôn mới.
| |
Đức Trung